Tạm biệt nhé, mãi mãi “Xứ Basque giữa lòng Hà Nội”!

Thứ hai, 27/05/2019 10:19 (GMT+7)

Vậy là Triều Khúc chia tay “võ lâm trung nguyên” thật rồi, chính thức với lá đơn xin không tham dự giải hạng Nhất 2019. Họ chia tay và chưa hẹn ngày trở lại. Họ sẽ ‘bế quan tu luyện’...

Vậy là Triều Khúc chia tay “võ lâm trung nguyên” thật rồi, chính thức với lá đơn xin không tham dự giải hạng Nhất 2019. Họ chia tay và chưa hẹn ngày trở lại. Họ sẽ ‘bế quan tu luyện’ một thời gian, có thể 1-2 năm, hoặc lâu hơn mà chưa ai biết chắc chắn câu trả lời… Trước khi đến với nội dung đầy xúc cảm trong lá đơn mà các thành viên Triều Khúc FC cùng ký vào, chúng ta hãy kể và ôn lại câu chuyện về một “xứ Basque giữa lòng Hà Nội”… Ngôi làng cổ và những nét đẹp trường tồn Làng Triều Khúc có khung cảnh cổ kính đặc trưng của một ngôi làng xưa Bắc bộ, phỏng theo kiến trúc đặc trưng của đình chùa làng Việt, còn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng. Ngay trước cổng chùa là một hồ nước rộng trong xanh cùng nhà thủy tạ nổi, khiến người ta nhớ tới khung cảnh hữu tình trong thơ ca Việt. Điểm nhấn đặc biệt của làng, ngoài chùa Hương Vân còn là hai ngôi đình cổ, với kiến trúc bề thế: Đình Sắc và Đình Đại. Trong đó, Đình Sắc là nơi thờ các đạo sắc phong thời Lê Cảnh Hưng 44 (1783) đến thời Khải Định 9 (1924) ban phong mỹ tự cho vị thành Hoàng của làng. Đình Đại thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng Người dân Triều Khúc rất tự hào, gìn giữ các ngôi đình vì tương truyền vị trí đình Đại ngày nay vào năm 791 là nơi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chọn làm đại bản doanh trên đường công thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) chống lại sự đô hộ của nhà Đường. Đến Triều Khúc bây giờ, người ta vẫn được chứng kiến sự giao thoa giữa nếp sống xưa và nay qua làng nghề, dù nhà xây sinh viên và dấu ấn của quá trình đô thị quá rõ trên cả khuôn mặt những sinh viên thuê trọ đầy màu sắc, với nhiều cô gái trẻ đẹp… Triều Khúc còn có lễ hội đậm chất văn hóa Việt, thu hút đông đảo du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học. Lễ hội làng Triều Khúc được mở đầu bằng lễ rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng, từ đình thờ Sắc về đình Đại Đình để bắt đầu khai hội. Và một “đặc sản” nữa trong lễ hội đầu năm ở đây là Giải bóng đá Xuân Triều Khúc. Hàng năm, cứ vào dịp Tết nguyên đán và lễ hội truyền thống thì từ mùng 2 đến 12 âm lịch, Triều Khúc lại tổ chức giải Xuân với 6-7 đội chia theo các xóm. Họ đá xanh chính với nhau, cứ đến trận bán kết dịp khai hội, và nhất là trận chung kết bao giờ cũng có đến hàng ngàn khán giả vây kín sân hò hét tưng bừng… ‘Đặc sản’ giải Xuân và sân bóng của những giai thoại Người ta thật khó tìm đâu một sân bóng mà đường biên còn kẻ theo cách truyền thống là vôi bột, cứ cách một đoạn lại đứt một đoạn do cầu thủ hay khán giả chen nhau ngồi. Suốt chiều dài lịch sử của bóng đá Thủ đô, biết bao đội bóng, cầu thủ từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư đã ghé thăm và có kỷ niệm với sân Triều Khúc. Đến tận bây giờ, nhiều người thuộc thế hệ 7X, 8X khi nghe các bậc đàn anh, đàn chú kể lại vẫn có thể bô bô kể về những kỷ niệm và những câu chuyện đầy tính giai thoại khi nhắc lại chuyện “về Triều Khúc đá bóng thì…”: “Thua hay hoà thì không sao, rượu thịt ê hề nhưng thắng thì đừng hòng ra khỏi sân, chỉ có bơi qua ao hay chạy qua cánh đồng mới thoát…”. Nhiều thế hệ, nhiều người nói thế, dù không phải ai cũng biết ở Triều Khúc có bố con nhà ông Hồng “Tà Lốc” khét tiếng như thế nào. Có các ông, các chú đã đá bóng ra sao, dù sau đó chỉ biết Lâm “đen” chứ đâu biết bác Tuệ còn đá “hay gấp vạn” đội trưởng của… Lão tướng Triều Khúc đang đá giải Lão tướng Thủ đô Trà Dilmah 2019 bây giờ. Từ các đội bóng chuyên nghiệp như Quân khu Thủ đô, Thể Công, Đường Sắt Việt Nam, Trường huấn luyện cho tới các đội phủi mạnh như Thanh niên Đống Đa, Thanh niên Hà Đông, Xe lửa Gia Lâm, Pháo Trúc Bạch, Ca nô xà lan… đều từng về sân Triều Khúc thi đấu. Những năm thời bao cấp, chuyện đi lại không dễ dàng như bây giờ nhưng dân đá bóng thập phương vẫn khoái về đây. Họ có thể đến từ Gia Lâm, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, nhảy tàu điện leng keng hoặc đạp xe lóc cóc mười mấy km xuống Triều Khúc chỉ để đá trận bóng. Như đội Pháo Trúc Bạch, Tết nào cũng về đá và “tặng mỗi cầu thủ Triều Khúc một băng pháo đùng làm quà”. Những năm đất nước còn khó khăn, một cân đường phân phối rất quý hiếm. Thế nhưng khi có trận bóng của các thanh niên Triều Khúc đấu với thanh niên nơi khác, các cụ lại đổ cả cân đường vào xô pha nước chanh cho các cháu uống, rồi “có khoanh giò hay nồi cá kho, mang ra đãi khách luôn…”. “Đôi khi phần thưởng chỉ là dăm tấm mía hoặc vài điếu thuốc đã là sang rồi, đâu có được đi uống bia như bây giờ…”, bác Dân kể lại. Đáng tiếc là sân bóng làng Triều Khúc từ năm 2010 đã bị thu hồi 1/3 rồi sau đó tiện thể thua tiếp nữa chỉ còn nửa diện tích để làm chợ. Từ sân bóng đá 11 chuyển sang đá 9 người, và phong trào cứ đi xuống dần… Dù sân bóng bị thu hẹp lại, phong trào đấu tranh lẫn phong trào bóng đá đi xuống nhưng người dân yêu bóng đá nơi đây vẫn nỗ lực để duy trì giải Xuân hàng năm. Dẫu không còn 100% mức độ hoành tráng như quá khứ nhưng vẫn khiến giới phủi Bắc bộ nể phục mấy năm qua, nhờ khả năng duy trì sân chơi với màu cờ sắc áo các đội bóng xóm Triều Khúc.. Vào ngày mùng 10 hoặc 11 tháng Giêng dịp Tết Nguyên đán hàng năm, một đội bóng sẽ được chọn làm khách mời để về đá giao lưu phục vụ khán giả. Những trận đấu này trong quá khứ, khi sân chưa bị lấy làm chợ tạm thường thu hút cả chục ngàn khán giả. Những nhà vô địch HPL mấy năm qua như Tin lớn & Anh em, Văn Minh, Gia Việt đều vào làng để “chúc Tết” Triều Khúc, tạo ra không khí khó quên… Không khí đó, gợi nhớ chút gì đó của phong trào bóng đá tại Triều Khúc vốn phát triển từ khoảng… 80 năm trước, gắn liền với sân bóng lịch sử này… “Xứ Basque giữa lòng Hà Nội” Trải qua bao thăng trầm, bóng đá phong trào Triều Khúc có những sự phát triển đáng kể, được giới bóng banh Hà Nội ít nhiều nể trọng. Bởi hiếm có làng quê nào ở ngoại thành Hà Nội lại có phong trào, đội bóng đặc trưng thế… Có nhiều cái tên được giới phủi Thủ đô “nhớ mặt, nhớ tên”. Thời cha ông thì thôi, vì quá xa đến mức mang tiếng “vào Triều Khúc, thắng thì OK nhưng thua thì…” dù chưa chắc dân đá bóng nào cũng về đây, đến thời các bác các chú như Hiệp “còi”, Hưởng “gạo”, Dũng “thi”, Sửu “Duệ”, Tuyên “bao”… thì kể cả dân ăn tập ở Hà Nội cũng biết chút ít. Và lứa 8X của “đầu tàu” Quân “trễ” kéo theo sau là những Hiệp “trĩ”, Đạt “xì xồ”, Tuấn “ếch”, Công “Thêu bò”… thì ai cũng biết, bởi độ lỳ đồn, lắm bài với cả mấy môn rất phủi. Để rồi sau đó, những Duy “dấm”, Thuận “bờm”, Bình “ấn”… theo sau rồi đến thế hệ 9X như dân ăn tập duy nhất ở Triều Khúc là Việt “cối”… Kể dài dòng đôi chút để liên tưởng, khi đội bóng của một ngôi làng nhỏ, nhỏ hơn cả một phường nội thành ở Hà Nội, lại có phóng trào bóng đá và có một đội bóng có bản sắc, truyền thống thế… Ít nhiều, Triều Khúc giống kiểu Bilbao bên Tây Ban Nha. Trong dòng chảy lịch sử của bóng đá Tây Ban Nha, Athletic Bilbao là đội bóng duy nhất vẫn giữ tiêu chí chỉ sử dụng cầu thủ sinh ra tại quê nhà – Xứ Basque. Ở CLB này có “chính sách Cantera” – chỉ ký hợp đồng với những cầu thủ nào có nguồn gốc hoặc phải được đào tạo từ bé ở xứ Basque, bao gồm các vùng Biscay, Gipuzkoa, Alava và Navarre (thuộc Tây Ban Nha) hay Labourd, Soule và Hạ Navarre (thuộc Pháp)… Bóng đá ngày càng toàn cầu hóa nhưng Bilbao chỉ dùng “cây nhà lá vườn”, nguồn nhân sự hạn chế từ hơn 2 triệu nhân khẩu xứ Basque. Vào năm 1989, Real Sociedad, cũng là một đội bóng nổi tiếng khác của xứ Basque, chấp nhận từ bỏ chính sách Cantera để có thể tiếp tục tồn tại. Nhưng khi tờ El Mundo tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 1990, khoảng hơn 3/4 người hâm mộ Bilbao đã khẳng định rằng họ thà nhìn thấy Bilbao bị xuống hạng còn hơn là phải chứng kiến việc CLB từ bỏ “chính sách Cantera”. Đó là niềm tự hào bất khuất của những người dân xứ Basque. Tại xứ Basque, cây sồi mang tên Gernikako Arbola chính là biểu tượng cho tinh thần tự do đã ngấm vào tận huyết quản. Trên huy hiệu của Bilbao, cũng xuất hiện hình ảnh tương tự. Cả hai đều là những niềm tự hào to lớn của vùng đất phía Bắc Tây Ban Nha này. SVĐ San Mames vẫn được coi là thánh đường của Bilbao, nơi chỉ dành riêng cho thứ tôn giáo “Basquelism” được xây nên từ lòng trung thành vô giá. Dọc theo đại lộ Sabino Arana bên ngoài sân, những người hâm mộ xứ Basque cứ thế hét lên “Athle-tic, Athle-tic” mà chẳng thèm quan tâm đến thế giới xung quanh ra sao. Đối với người Bilbao, sân San Mames cũng mang giá trị quan trọng hệt như “chảo lửa” Nou Camp đối với các culé, nếu không muốn nói là còn mạnh mẽ hơn thế rất nhiều.   Triều Khúc FC có chút gì cũng vậy, cũng bảo thủ hệt như Bilbao, chỉ sử dụng quân số là 100% người làng. Với họ, đó là bản sắc, là niềm tự hào. Và mỗi cầu thủ khi được chọn từ các đội xóm, “lên tuyển” Triều Khúc ra ngoài đá giải, nhiều cầu thủ coi đó là cảm giác thiêng liêng không gì đánh đổi được. Nói như Công “Triều Khúc” thì “như khoác áo ĐTQG vậy…”. Lời chia tay Như trong chính lá đơn mà tập thể Triều Khúc FC đã ký và gửi BTC Hạng Nhất, lý do ai cũng hiêu: “Cùng với sự thay đổi của thời thế cùng những bước phát triển của bóng đá phong trào Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, FC Triều Khúc đã, đang gặp một vấn đề nhất định. Do từ năm 2010, sân bóng làng Triều Khúc với lịch sử hàng trăm năm tuổi đời bị thu hồi nửa diện tích để làm chợ, sân chơi không còn và phong trào đi xuống. Vì nhiều lý do, việc đào tạo và phát triển các thế hệ kế cận không đảm bảo tính liên tục, thế nên bóng đá Triều Khúc gặp khó khăn về lực lượng và khả năng phát triển như tiềm năng vốn có. Do tính đặc thù của FC Triều Khúc – đội bóng vẫn được yêu mến với biệt danh “Xứ Basque giữa lòng Hà Nội” khi chỉ sử dụng cầu thủ là những người con sinh ra, lớn lên ở Triều Khúc chứ không sử dụng người ngoài, đội bóng 2 năm qua yếu đi vì những lý do chủ quan lẫn khách quan. Bởi tác động xã hội và xu thế phát triển của bóng đá “phủi”, tự chúng tôi tự ý thức được vấn đề của đội bóng, sau khi phải xuống hạng ở HPL-S4 và 2 mùa chơi giải hạng Nhất. Chuẩn bị cho mùa giải 2019, tập thể FC Triều Khúc đã họp bàn và thống nhất đi đến quyết định sẽ thôi không tham dự giải hạng Nhất 2019 – HL1-S4. Với quyết tâm củng cố, xây dựng lại phong trào bắt đầu bằng việc đầu tư đào tạo trẻ để chuẩn bị cho tương lai, FC Triều Khúc sẽ gián đoạn việc tham dự các giải đấu ở Hà Nội thời gian tới. Đây cũng chính là cách để tự các thành viên đội bóng cũng như thế hệ sau bảo vệ danh dự, vị thế và danh tiếng của bóng đá Triều Khúc vốn được xem như một trong những tự hào của bóng đá phong trào Hà Nội nhiều năm qua. Bằng văn bản này, FC Triều Khúc khẳng định đội bóng sẽ không chuyển giao, nhượng suất cho bất cứ tập thể, cá nhân nào. Chúng tôi tự nguyện xin rút không tham dự giải và đề nghị được trả lại Ban tổ chức suất chơi hạng Nhất mùa 2019 mà không kèm theo bất kỳ yêu cầu, điều kiện nào. Hy vọng ở một thời điểm gần nhất, khi bóng đá Triều Khúc lớn mạnh và có đủ điều kiện để lấy lại vị thế như những ngày xưa, FC Triều Khúc sẽ lại xuất hiện ở các sân chơi lớn như HPL để tiếp tục chơi, cống hiến cho bóng đá “phủi” Hà Nội… Khi người đàn ông khóc Triệu Tăng – người tiếp quản FC Triều Khúc từ giải hạng Nhất 2017, sau khi rớt hạng ở HPL-S4 và “lòng người tản mát” với nhiệm vụ tiếp tục duy trì, khi đọc cho anh em trong đội nghe lá đơn này, gương mặt trực khóc mà cố kìm lại. Mấy anh em còn lại gần gũi, chỉ biết động viên: “Thôi, còn đam mê thì sẽ có ngày đội trở lại, chấp nhận thực tế và làm lại…”. Ai cũng hiểu, Tăng buồn vì tiếp quản từ các anh, không duy trì được nên trong lòng muôn phần trăn trở, áy náy. Và đâu chỉ mình cá nhân nào khóc hay muốn khóc, rất nhiều anh em cầu thủ, CĐV, BHL của Triều Khúc đã từng rơi lệ ngay trên sân, và sẽ còn có lúc khóe mắt cay cay khi nghĩ về những kỷ niệm khó quên… Năm ngoái, Triều Khúc với đa số quân trẻ, chơi rất cố gắng ở Hạng Nhất. Thế nhưng họ đuối dần về giai đoạn cuối, lại phải triệu hồi “lão tướng” vốn sắm vai HLV lẫn quân sư là Tuấn “ếch” phải xỏ giày để “cứu tàu”. Cả 2 bàn thắng quan trọng và đầy cảm xúc của Tuấn “ếch” ở vòng cuối đã giúp Triều Khúc hòa Suzika Hữu Bằng 2-2, qua đó trụ hạng thành công, trong sự vui mừng không chỉ của đội bóng này, mà còn từ phía rất nhiều người khác trong giới. Nhưng rồi đến năm nay, Triều Khúc đã nghiêm túc nhìn nhận lại thực lực và quyết định dừng lại. Đó là quyết định đúng đắn. Khi ở thời điểm này, HLV Quân “trễ” quá bận, đến giải Lão Tướng cũng không thể ra đá cùng Lão tướng Triều Khúc, trong khi Tuấn “ếch”, Đạt “võ lâm” đến tuổi ‘hưu trí’, còn Captain Hiệp “trĩ” theo gia đình sang nước ngoài… Bình “ấn”, ông anh rể của Công “Triều Khúc” hỏng gối và chỉ chơi vui, chiến sỹ Công an Việt “cối” giờ là làm trên quận Cầu Giấy cũng bận, Duy “dấm” chưa hẹn ngày trở lại… giờ còn mỗi Thuận “bờm” là OK. Các em trẻ thì người chấn thương, kẻ làm ăn xa, người đi bộ đội và có người “mất tích”… Triều Khúc giờ không đủ người để chơi, dù lứa trẻ cuối 9X rất năng khiếu, máu mê và tiềm năng dù chưa được thử lửa… Tạm biệt huyền thoại Dân phủi Hà thành sẽ nhớ mãi những tên đội bóng mộc mạc mà trần trụi, y như cá tính con người Triều Khúc từng chơi ở đó, như đội Thoát Nước, đội Bia Cường Hói. Đã có thời, lãnh đạo Thoát Nước, rồi ông bầu Cường ‘hói’ đình đám, bê nguyên tổ Triều Khúc về để giật giải với bộ khung Quân ‘trễ’ – Tuấn ‘ếch’ – Hiệp ‘trĩ’ – Đạt ‘võ lâm’ – Giang Nguyên Công. Rồi sau này, HD Bank cũng nhấc Tuấn ‘ếch’ – Hiệp ‘trĩ’ – Giang Nguyên Công về, trở thành thế lực trong giới bóng banh ngành ngân hàng. Dân phủi sẽ nhớ lắm cái chất giọng đặc trưng của các anh em Triều Khúc, rồi những đôi chân đen đúa, thô ráp, cái  sự lệu rệu, xộc xệch cho đến cách chơi bóng không thể “phủi” hơn. Nhớ Tuấn “ếch”, một trong những tiền đạo hay nhất phủi Hà thành, với món cài gia bảo, cái điệu nói chuyện tếu tếu, có lúc cũng rất đểu, “xóc óc” với ai mà anh ghét. Cho đến giờ, người ta vẫn khó có thể tìm ra một tiền đạo sát thủ, lì lợm và có khả năng “gánh team” giỏi như Tuấn “ếch”, một cầu thủ không qua ăn tập mà chính Phương “vertu” vẫn bảo “phải học anh ấy nhiều”. Không ai có thể quên không khí vô cùng sôi động mà CĐV Triều Khúc mang đến sân C500 ở HPL-S3 rồi S4 với một lực lượng đông vô địch, ồn ào kinh khủng và làm nhiều người nổi da gà khi chứng kiến tận mắt. Thời điểm hoàng kim đó, dòng người CĐV áo vàng Triều Khúc, nam phụ lão ấu, kèn trống rộn ràng tập trung từ đình làng, đi bộ 2km đến sân C500 tạo ra một cảnh tượng gây hưng phấn lạ lùng. Họ như dòng nước lũ cuốn phăng mọi lo toan bộn bề cuộc sống trên đường, chảy ào ạt tới sân. Nhiều người gửi con, bỏ cả cửa hàng, để đi xem ‘thanh niên làng mình đá giải’. Hội CĐV may cờ, may áo, tuần nào cũng nhận được ủng hộ từ dân làng, người thì dúi vào tay cầu thủ vài trăm ngàn, người thì ủng hộ cả triệu bạc cho đội. Ở mùa đó, Triều Khúc và CĐV của họ tạo ra những trận cầu cực hay, siêu kịch tính, vô cùng cảm xúc. Bóng đá thế giới từng ghi nhận những đội bóng gây ấn tượng mạnh với NHM, tan rã và lưu danh sử sách. Điển hình là Leeds United, đội bóng từng mang đến  thứ bóng đá “kiểu Anh” điển hình, phóng khoáng, cống hiến và lãng mạn nhất của những năm đầu thiên niên kỷ mới. Họ từng  chễm chệ xếp trên cả những những “ông lớn” như Manchester United, Arsenal, Chelsea hay Liverpool, dẫn đầu bảng xếp hạng Premier League sau loạt trận Giáng sinh và đầu Năm mới 2002. Khoảng thời gian này, The Whites (biệt danh của Leeds) chính là đội bóng mang đến nhiều cảm xúc, thứ bóng đá đáng xem nhất cho người hâm mộ không chỉ ở nước Anh mà còn vượt ra ngoài biên giới quốc đảo này. Người ta sẽ nhớ mãi về Triều Khúc FC, về những cá nhân xuất sắc của đội bóng này, ít nhất cũng có gì đó nnhư nhớ về những Rio Ferdinand, Mark Viduka, Harry Kewell, Jonathan Woodgate, Ian Harte, Alan Smith… của Leeds United một thời năm xưa. Nhớ và tạm biệt nhé, Triều Khúc FC! Để cùng nhau nói câu: Hẹn gặp lại, bạn nhé! HOÀNG TUẤN ANH (Bài trên Vietfootball ngày 24/5/2019)
Quảng cáo