Trước trận gặp Việt Nam tại VL World Cup 2022: ĐT Thái Lan đang như “con thú bị thương”

Thứ sáu, 09/08/2019 00:43 (GMT+7)

Thái Lan đang cảm nhận dư vị đắng chát của kẻ về nhì. Không ai nói ra, nhưng có vẻ như từ Bộ thể thao cho đến quan chức Liên đoàn bóng đá Thái Lan đều đang “làm tất cả”...

Thái Lan đang cảm nhận dư vị đắng chát của kẻ về nhì. Không ai nói ra, nhưng có vẻ như từ Bộ thể thao cho đến quan chức Liên đoàn bóng đá Thái Lan đều đang “làm tất cả” để lấy lại vị thế. Và điều đầu tiên là phải đánh bại Việt Nam! Những động thái chưa từng có Người Thái vốn rất nhã nhặn. Họ cư xử lịch thiệp, có phần nào đó nhún nhường khi sẵn sàng cúi đầu và chắp tay trước ngực. Trong cuộc sống hàng ngày, người Thái cũng rất thận trọng và chậm rãi. Họ gần như không bao giờ to tiếng hay nạt nộ với những người xung quanh ngay cả khi họ có hài lòng hay không. Thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, người Thái cũng là một trong những cổ động viên dễ chịu nhất. Họ không xô bồ, ồn ào và sẵn sàng ăn thua như một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. ĐT Việt Nam đã từng làm khách trên đất Thái, đã từng chiến thắng và chiến bại, nhưng cái nhận lại vẫn là sự hoà nhã đầy tôn trọng. Nó khác hẳn không khí rực lửa, thù địch và có phần thái quá khi đến Indonesia, Myanmar, Malaysia, thậm chí cả Singapore. Mỗi lần như thế, các tuyển thủ áo đỏ dường như phải trải qua “một cuộc chiến” theo nghĩa đen. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, bóng đá Thái Lan và cả các cổ động viên của họ có vẻ đã thay đổi trạng thái. Tuy không bộc lỗ rõ thái độ thù địch với Việt Nam, nhưng họ đang hành động khá quyết liệt.

ĐT Thái Lan không còn bá chủ Đông Nam Á

King’s Cup đầu tháng Sáu vừa rồi, Liên đoàn bóng đá Thái Lan nhất quyết tìm cách cho bốc thăm chọn cặp để... được gặp ĐT Việt Nam. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử King’s Cup từ khi nó được tổ chức lần đầu năm 1968. Vì điều lệ giải trong suốt hơn 50 năm cho thấy, King’s Cup tôn trọng bảng xếp hạng FIFA, hai đội có thứ hạng cao gặp nhau, hai đội có thứ hạng thấp hơn tranh tài để tìm ra những người chiến thắng. Người Thái đã tự xoá bỏ luật lệ do chính họ mặc định. Sự thay đổi ấy được cho là “kịch bản soạn sẵn” để ĐT Thái Lan có cơ hội đối đầu Việt Nam. Kỳ lạ hơn nữa, cuộc bốc thăm diễn ra đúng như mong mỏi của báo chí xứ sở chùa Vàng, khi người Thái bốc lá thăm đầu tiên đã gặp ngay Việt Nam?! Người ta tự hỏi, vì sao ĐT Thái Lan phải gặp bằng được ĐT Việt Nam trong khi họ có thể gặp đội bóng áo đỏ ở trận chung kết, nếu cả hai cùng thắng? Các chuyên ra phân tích sau đó nhanh chóng nhận ra rằng, người Thái muốn hạ “kẻ số 1” để lấy lại vị thế số 1 mà họ từng được “định vị” vài thập kỷ! Hơn nữa, nếu thắng ĐT Việt Nam, ĐT Thái Lan hạ thêm đối thủ đáng ghét xuống một bậc nữa, tức là cao nhất thầy trò HLV Park Hang Seo chỉ có thể nhận giải ba. Còn họ, họ sẽ cố lấy ngôi vô địch. Tuy nhiên, câu chuyện quanh trái bóng trò không phải lúc nào sự toan tính cũng có kết quả. Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên. ĐT Việt Nam không sập bẫy mà chính người Thái lại tổn thương theo cách không thể cay đắng hơn: Thua phút chót! Kết quả ấy buộc LĐBĐ Thái Lan phải nhóm họp khẩn cấp. Họ lùng sục khắp nơi để mời về chiến tướng cầm đội, phải làm bằng được những gì đang thua kém ĐT Việt Nam. Và đấy chính là lý do HLV người Nhật Akira Nishino được trọng vọng ngay cả khi ông có những “hờn dỗi” trong chuyến đi tiền trạm trước khi ký hợp đồng. Nhà cầm quân từng đưa Nhật Bản vào đến vòng 2 World Cup 2018 có thêm điều kiện ra yêu sách về lương bổng và chế độ. LĐBĐ Thái Lan chỉ còn cách gật đầu vì để tìm kiếm một chiến tướng khác là điều không dễ, nhất là trong bối cảnh... Việt Nam tiến bộ với tốc độ phi mã! Khi con thú trọng thương... ... thì nó ắt phải gầm lên những tiếng giận dữ. Thái Lan làm chủ Đông Nam Á trong khoảng vài chục năm. Họ vô địch SEA Games 7 lần liên tiếp (từ 1993-2005), vô địch Tiger và cả AFF Cup trong sự nể sợ của các đội bóng khác. Những lần họ vấp ngã trên đấu trường khu vực phần lớn là do họ chủ động hoặc “tự buông bỏ” để tính sân chơi lớn hơn. Tuy nhiên, lần này thì khác. Sự lên tiếng của Việt Nam quá đồng bộ và đáng để quan tâm. Việt Nam trẻ khoẻ, gan lì từ các U trẻ cho đến tuyển lớn. Thái Lan tính sơ sơ trong hai năm qua thất bại từ U15, U17, U19, U21, U23 cho đến ĐTQG. Tức là, chưa bao giờ người Thái bị qua mặt toàn diện đến mức ý.

Bàn thắng phút chót của Anh Đức vào lưới Thái Lan tại King's Cup đã đẩy đội bóng này vào đường cùng

Cho nên, điều hiển nhiên là Chúa Sơn lâm sẽ phải gầm lên để lấy lại uy phong của mình. VL World Cup 2022, lá thăm nghiệt ngã lại đưa ĐT Thái Lan vào bảng có ĐT Việt Nam, lại gặp nhau ngay trận đầu. Và người Thái lại phải tính toán... Vài ngày trước, LĐBĐ nước này quyết định chuyển trận đấu ngày 5/9 với ĐT Việt Nam về sân trường Đại học Thammasat, sân nhà của CLB Bangkok United. Họ lấy lý do sân chính Rajamangala đang sửa chữa nên không thể thi đấu tại đó. Lý do này hoàn toàn chính đáng nếu hai đội gặp nhau ở... một thời điểm khác. Nhưng nó trở nên “có vấn đề” ở thời điểm này. Nhiều người cho rằng, LĐBĐ Thái Lan sợ vận đen đeo bám họ nên đổi sân. Vì tại Rajamangala, người Thái thua ĐT Việt Nam 2 trận cực kỳ quan trọng: Chung kết lượt đi AFF Cup 2008 và King’s Cup vừa rồi. Cả hai trận đấu ấy đều đẩy tinh thần người Thái xuống đáy, gột bỏ hết những chiến thắng vang dội của họ trước ĐT Việt Nam trong quá khứ. Đưa trận đấu về Thammasat, LĐBĐ Thái Lan dựa vào... sự đồng ý của tân HLV Akira Nishino. Nhưng thực chất, nhà cầm quân người Nhật cũng không rõ lắm những zích zắc trong quá khứ. Ông chỉ được hỏi ý kiến về mặt sân và chất lượng cỏ. Còn lại, đều do LĐBĐ Thái Lan tính toán. Thammasat chỉ có sức chứa 20 ngàn người, tức là ĐT Thái Lan chỉ phải chịu một phần áp lực rất nhỏ từ các CĐV Việt Nam. Nó khác với khi ở Rajamangala, fan áo Đỏ có khi còn lấn át fan áo Vàng. LĐBĐ Thái Lan muốn giải toả áp lực cho đội nhà ngay từ khâu chuẩn bị, tức là họ đã nghĩ đến việc dớp bại trận có thể khiến các cầu thủ Thái Lan thi đấu với những đôi chân đeo chì. Khán giả ít hơn tất nhiên áp lực sẽ ít hơn! Hai ngày trước, LĐBĐ Thái Lan tiếp tục gặp bối rối khi HLV Nishino chưa chịu chọn trợ lý chính cho mình. Đích thân Chủ tịch Laohakul tỏ ra sốt sắng về điều này khi chính ông thừa nhận, HLV Nishino “không biết nhiều” về bóng đá Thái Lan nên ông gợi ý người tiền nhiệm Sirisak Yudyardthai và Sritaro (đang dẫn dắt U18 Thái Lan) làm cộng sự. Nhưng đáp lại thiện chí ấy, nhà cầm quân xứ sở Phù tang vẫn... đang nghỉ phép. Rõ ràng, các vấn đề của ĐT Thái Lan không trôi chảy và các quan chức của họ dường như ký hợp đồng với HLV Nishino có phần gượng ép vì không còn thời gian?! Một vấn đề khác cũng khá nhạy cảm: LĐBĐ Thái Lan đột ngột chấp nhận đơn từ chức của Trưởng đoàn Kittisak Champathipong, điều hiếm khi xảy ra ở đội bóng này. Ông Kittisak lấy lý do bận việc kinh doanh và sức khoẻ thời gian gần đây không tốt nên không thể theo nhiệm vụ ở ĐT Thái Lan như trước. Nhưng báo chí bản địa cho rằng, trước hàng loạt trận thua kéo theo thành tích không như ý của “Voi chiến”, ông Kittisak được tư vấn rời ghế. Hiện, cái tên được cân nhắc nhiều nhất lấp vào khoảng trống mà cựu Trưởng đoàn Kittisak để lại là Kasem Jariwong. Ông này được xem là “thần tài” của ĐT Thái Lan khi trước đó, mỗi lần ông song hành cùng đội tuyển là một lần thành tích rực rỡ. Đặc biệt là giai đoạn 2013-2015, ông Kasem làm Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan, kết hợp cùng Zico Kiatisak, U23 Thái Lan vô địch SEA Games, ĐTQG vô địch AFF Cup 2014 và lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Sau đó, ông Kasem không đi theo đội tuyển nữa và thầy trò HLV Kiatisak thua sấp mặt ở vòng đấu cuối cùng giành vé đi Nga. Có thể thấy, người Thái đang làm mọi thứ có thể để lấy lại thanh danh và mục tiêu đánh bại ĐT Việt Nam như một thách thức phải làm bằng được. Chưa bao giờ, Chúa Sơn lâm lại rơi vào tình cảnh gầm rú trong hoang mang như vậy! Bảo Thắng (Bài đăng trên số báo Tuổi trẻ&Đời sống ra ngày Thứ Hai 5/8/2019)
Quảng cáo