Khoảnh khắc Super League: Khi Tuấn bệu cầm sa bàn...

Thứ hai, 22/07/2019 19:41 (GMT+7)

Sân phủi Hà thành vẫn là cái nôi đặc trưng của mặt sân 7 và thường, nó không cổ suý cho dân ăn tập. Bởi trên sân khấu có diện tích nhỏ, nhưng tiết tấu nhanh, chẳng phải dân chuyên...

Sân phủi Hà thành vẫn là cái nôi đặc trưng của mặt sân 7 và thường, nó không cổ suý cho dân ăn tập. Bởi trên sân khấu có diện tích nhỏ, nhưng tiết tấu nhanh, chẳng phải dân chuyên nào cũng có thể xào nấu món ngon cho NHM thưởng thức. Ấy thế nhưng, Tuấn bệu lại là trường hợp đặc biệt. Cựu cầu thủ Vissai Ninh Bình trở thành nhân tố X ngay khi khoác áo EOC. Chuyện làm quen với sân 7 của Tuấn bệu có vẻ dễ dàng, dễ như kiểu người ta bật công tắc điện là đèn sáng. Cho nên, vài năm trở lại đây, người ta coi Tuấn bệu là hình ảnh của EOC, dù đội bóng này có rất nhiều cao thủ võ lâm như Tuấn ốc, Cường trắng, Huyên Seven, Tú tó, Duyệt Nam Định, Quảng còi... đôi khi, cả Quả bóng vàng Lương dị cũng về đây phô diễn. Tuấn bệu thuộc mẫu điển hình, như kiểu nói đến Trà phải nhắc tên dị nhân Anh Tệu, nói đến Triều Khúc phải liệt kê Tuấn ếch hàng đầu, Top Group trước nhắc Phương Vertu sau mới đến những tên tuổi khác. Tuấn bệu trên sân phủi sắc cỡ nào, đòn ngón gì hay có lẽ chẳng cần kể thêm. Từ tì đè, dứt điểm chân trái, chân phải, đánh đầu, cầm bóng quặt đi quặt lại, che cài đều ở mức “chuyên nghiệp mà dị”. Nhưng cái người ta ngưỡng mộ Tuấn bệu chính là bản lĩnh thi đấu. Càng trận căng Tuấn bệu càng nhiều đường toả sáng, như thể anh sinh ra để gắn tên vào những khoảnh khắc. https://youtu.be/KQdkz41h16E Nhưng đấy là hình ảnh của Tuấn bệu trên sân, còn ở Super League, người ta thấy một Tuấn bệu khác trong vài trò HLV. Bước chuyển tiếp kiêm nhiệm của Tuấn bệu ở EOC có lẽ là xu thế cần thiết và tất yếu trong tầm nhìn xa của bầu Diệm. Chỉ có điều, ở vai trò điều binh khiển tướng, tiền đạo lực lưỡng này lại cho khán giả “nếm” dư bị thường thấy của người chịu trách nhiệm. Vòng 2 Super League, trời nắng như đổ lửa. Nhiệt độ trong bóng cây khoảng 35 thì nhiệt độ trên thảm nhựa khoảng 39-40. Nhưng Tuấn bệu vẫn xì xụp chiếc áo gió màu đen có cả mũ, trông rất... giữ nhiệt. Tuấn bệu ngồi chung với đội ngũ cả quân lẫn tướng, cả anh lẫn em trong ca bin được che ô mắt dõi theo trận đấu. Điều dễ nhận thấy ở “ông Coach trẻ” này chính là cảm xúc thay đổi theo tình huống. Đội nhà công thì hồi hộp lo lắng, đội nhà thủ thì lo lắng hồi hộp. Mắt đảo, tay chân khua khoắng, miệng liên tục “bình luận” theo trận đấu không khác gì máy nói. Nghe bảo, trong lúc bình luận từ cabin, Tuấn bệu có tiếc nuối, có cả mắng mỏ lẫn... chửi thề. Chỉ là chưa rõ, Tuấn bệu chửi ai, chửi một người hay chửi cả đội?! Cái nghề cầm sa bàn luôn tạo cho người xem cảm giác hư mà thực, thực mà hư. Một người thường ngày hiền lành cũng có thể trở nên dữ dội, một người mang tiếng Hổ báo, tư thế oai phong lẫm liệt nhiều khi thu lu như chó ốm. Chuyện sống trong vô vàn cảm xúc là có thật. Chuyện buồn đái cứng bụng không dám đi cũng là thật. Chuyện vã mồ hôi hột giữa mùa đông hay lạnh sống lưng giữa mùa hè cũng thật nốt. Tất cả những thứ đó mô tả rõ nét một cái nghề rất... khó định lượng. Tuấn bệu trong vai cầu thủ khác Tuấn bệu trong vai người cầm quân. Có lẽ, anh cảm nhận được cảm giác bất lực của người nói “chẳng thằng nào nghe”, cảm nhận được sự cô đơn khi truyền đạt khản cổ mà “chúng nó” vẫn đá sai. Không có gì đúng ý cả, trừ những bàn thua là... đúng dự đoán. Vị trí của người đứng dọc biên phía ngoài và người đứng giữa khung vuông trong sân khác nhau quá nhiều. Người phía ngoài có đặc quyền được hò hét thoải mái, chửi bới bực tức liên hồi như Đàm Vĩnh Hưng Liveshow. Nhưng tệ cái, người phía trong đa phần là những ông tốt nghiệp trường Nguyễn Đình Chiểu loại ưu. Nghề chính của họ là Không nghe, Không thấy và... Không nhìn ra phía ngoài. Dưới điều kiện trời nắng, nhiệt độ cao thì nghề này phát huy cao lắm! Trận đầu tiên, EOC bại trận trước DTS, Tuấn bệu cố vào sân những phút cuối. Nhưng đồ rằng, anh vào để xả áp lực và hy vọng thay đổi chút gì đó về tinh thần cho anh em đang “đội nắng toả nhiệt”, chứ không phải vào sân để lật ngược thế cờ như khi chưa kiêm nghiệm cả hai vai thầy - trò. Nhưng ở trận thứ nhì với Trà Dilmah, Tuấn bệu vẫn cố thủ với chiếc áo gió, chấp nhận hình ảnh mặt nhăn như Khỉ ăn nhầm Sầu riêng, miệng lắp bắp có khi không thành tiếng để chỉ đạo từ phía ngoài. Tuấn bệu không vào sân cứu tàu và kích thích tinh thần anh em nữa. Có thể, trọng lượng bên trong chiếc áo gió chưa cho phép anh thủ vai chính trên sân cỏ. Nhưng cũng có thể, Tuấn bệu đang cố nén lò xo để chờ bật tung ở HPL S8 sắp tới, trước khi chuyên tâm cho nghiệp “đạo diễn”. Cầu thủ cả chuyên lẫn phủi đều có thể chuyển hướng từ bóng đá sang bóng bàn. Nhưng chẳng phải ai cũng có duyên theo được nghề hoặc được “nghề chọn”. Mà tất cả đều phải trải qua Hỉ Nộ Ái Ố của cảm xúc, của những tình huống rụng tim hoặc chết đi sống lại theo từng khoảnh khắc. Nghề HLV, nhất là HLV sân phủi nhiều khi vẫn “được” nhiều người nhìn nhận là nghề “nhàn nhã dễ làm”. Có cái mẹ gì đâu, các ông HLV có mỗi việc cầm sa bàn ra sân, gào thét mấy câu, thằng nào khoẻ xếp đá, thằng nào yếu cho dự bị là xong. Thắng thì OK, thua thì... kê ô cho thằng khác ngồi. Người trong cuộc làm nghề cũng đồng quan điểm với nhận định: đấy là nghề dễ làm thật. Chỉ là đôi khi, nghề HLV phát sinh những bệnh “nhẹ nhẹ” như trầm cảm, đột quỵ hay tai biến mạch máo não là cùng. Còn dăm ba cái lẻ tẻ như lên giáo án, sắp xếp tập luyện và xây dựng lối chơi ăn thua gì... Bảo Thắng Ảnh: PV Kutunkute - BĐS7
Quảng cáo