
Tròn 1 năm ngày mất của cố HLV Tuyển VN, Alfred Riedl. Nhớ ông – Nhà cầm quân một thời của BĐVN. Sân Cỏ 365 post lại bài viết của Tác giả Vũ Bảo Thắng đã đăng trên Báo Tuổi trẻ&Đời Sống ngày 9/9/2020.
*********
ALFRED RIEDL – TẠM BIỆT QUÝ ÔNG LỊCH LÃM
Tin HLV Alfred Riedl qua đời khiến những người yêu bóng đá Việt Nam bàng hoàng. Ai cũng biết, nhà cầm quân người Áo phải chống chọi với bệnh ung thư nhiều năm qua và từng phải thay thận nhưng không ai ngờ ngày ông về với Chúa lại sớm hơn hình dung của tất cả.
NGƯỜI LUÔN NHẬN LỖI VỀ MÌNH
Ngày 13/06/2017, Karl Heinz Weigang – cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam qua đời ở tuổi 81 tại nhà riêng ở Đức, NHM và các cựu tuyển thủ “thế hệ SEA Games 1995” bày tỏ sự tiếc thương với người thầy đã đặt nền móng cho sự tái hoà nhập của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy vậy, sự ra đi đột ngột của HLV Alfred Riedl đã tạo ra “một cơn bão đẫm nước mắt” thực sự đối với nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam.
Nhà cầm quân người Áo dường như đã đặt dấu ấn quá lớn lên nhiều thế hệ trong ba cuộc hành trình ông từng có ở Việt Nam. Không phải HLV Weigang ít thành tích hơn HLV Alfred Riedl. Cũng chẳng phải nhà cầm quân người Đức không được yêu quý bằng người kế nhiệm mình ở ĐT Việt Nam. Cốt lõi, xúc cảm Thầy – Trò mà chiến lược gia người Áo để lại quá sâu đậm với nhiều thế hệ cầu thủ, nhiều người từng làm việc với ông!
Ngay từ khi đặt chân đến Việt Nam, HLV Alfred Riedl đã giới thiệu một cách làm việc mới, một tư chất lịch sự khó lẫn lộn của người châu Âu đến mảnh đất vốn vẫn bị coi là vùng trũng của bóng đá thế giới.
Ông Alfred Riedl là người Áo, nhưng lại mang trong mình chất “Ăng-lê” lịch lãm đầy quý tộc của người Anh. Nếu để so sánh, ông Riedl còn đậm chất “hiệp sĩ nước Anh” hơn người tiền nhiệm Colin Murphy – HLV dẫn dắt ĐT Việt Nam tại SEA Games 1997.
Bóng đá Việt Nam trải qua nhiều đời HLV ngoại, cộng tác với không ít chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới , nhưng hình ảnh “Quý ông” của HLV Alfred Riedl vẫn là phong cách không thể lẫn lộn. Ông lịch lãm trong cách làm việc, chừng mực trong giao tiếp, luôn luôn bảo vệ cầu thủ và một mực nhận lỗi về mình nếu sự cố xảy ra, kể cả khi ông chẳng phạm sai lầm nào!
Cách ứng xử đầy nghĩa hiệp của HLV Alfred Riedl đã “thu phục nhân tâm” của không chỉ các thế hệ cầu thủ ông từng dẫn dắt, mà còn dành được sự nể trọng của những người có cơ hội cộng tác cùng ông.
Trong ba nhiệm kỳ làm việc của mình, HLV Alfred Riedl không chỉ mang kiến thức mới mẻ, hiện đại của châu Âu bồi đắp cho Tuyển Việt Nam mà ông còn mang đến thứ quý giá hơn cho các học trò, đó là sự văn minh sân cỏ, tinh thần thấu hiểu và sẻ chia.
SEA Games 2003, U23 Việt Nam bại trận trước Thái Lan ở những phút cuối cùng, trời đất như sụp đổ, sân Mỹ Đình thảm hại bởi rác và những tiếng nghẹn ngào của CĐV. Trong phòng họp báo, không khí ngột ngạt khiến người ta tức thở. Phóng viên trong nước buồn rười rượi, phóng viên quốc tế chĩa mũi dùi vào HLV Alfred Riedl với những câu hỏi mang tính đắc thắng hả hê. Họ liệt kê lỗi của Lê Đức Tuấn, thẻ đỏ của Quốc Vượng và “muốn nghe nhận xét” của người trong cuộc. HLV Alfred Riedl bình tĩnh cầm micro, từ tốn gửi lời chào và nói cám ơn đến tất cả mọi người. Nhưng như thường lệ, ông nhận lỗi về mình và bảo vệ các cậu học trò như thể chim mẹ bảo vệ những chú chim non chưa thể rời tổ. “Chúng ta đã ở rất gần chiến thắng nhưng bóng đá vốn là cuộc chơi không ai biết trước điều gì. Các cầu thủ của tôi hôm nay đã chiến đấu đến cùng, tôi cám ơn họ về điều đó. Tôi biết NHM Việt Nam rất buồn, tôi cũng vậy, nhưng Đức Tuấn còn buồn hơn chúng ta gấp nhiều lần. Lỗi không thuộc về cậu ấy. Còn Quốc Vượng, tất cả chúng ta đều thấy Quốc Vượng đã đại diện cho tinh thần Việt Nam. Và khi mọi thứ được đẩy lên mức cao trào thì điều gì cũng có thể xảy ra. Tôi, chính tôi là người chịu trách nhiệm về thất bại này trước Liên đoàn và NHM. Không phải họ. Hãy để họ nghỉ ngơi”.
Phát biểu của nhà cầm quân người Áo đã khiến nhiều phóng viên quốc tế không thể chất vấn thêm điều gì, nhưng nó lại giúp “người nhà” thêm hiểu và cảm phục cách ứng xử trượng phu của ông hơn.
——————–
TÌNH NGHĨA NHƯ NGƯỜI VIỆT
Nhà cầm quân người Áo coi Việt Nam là quê hương thứ hai và từng muốn định cư tại đây, nhất là sau năm 2007, khi ông được một thầy giáo xứ Thanh tặng quả thận cứu mạng.
Khi ấy, HLV người Áo bị suy thận nặng, một bên thận hỏng 80%, bên còn lại hỏng 40%. Bác sĩ khẳng định ông phải ghép thận mới có thể duy trì cuộc sống dài hơn.
Một năm sau, HLV Alfred Riedl được tiến hành ghép thận ở quê nhà. Ông chỉ biết người hiến thận mang quốc tịch Việt Nam nhưng không biết danh tính cụ thể.
Năm 2011, HLV Alfred Riedl và bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền được mời tham dự một chương trình thể thao của đài truyền hình Indonesia. Ê-kíp thực hiện chương trình đã dành cho ông một bất ngờ, khi giúp ông gặp gỡ người Việt Nam đã hiến tặng một bên thận cho mình.
Quá bất ngờ và xúc động, HLV Alfred Riedl chỉ biết ôm chầm lấy ân nhân. Khi cả hai ngồi xuống ghế, HLV người Áo rút khăn giấy ra để lau nước mắt và nói: “Anh đã cứu sống tôi. Nếu không được hiến tặng, tôi sẽ phải chạy thận ba lần một tuần. Tôi mừng khi anh vẫn khoẻ mạnh sau khi hiến tặng một bên thận cho tôi”.
Nghẹn ngào một lúc, ông nói tiếp: “Tôi nợ Việt Nam nhiều quá”. Ý của ông có thể bao hàm cả những lần về Nhì cùng ĐT Việt Nam.
Đối với thầy giáo xứ Thanh cho thận, HLV Alfred Riedl luôn điện thoại hỏi thăm (trước khi gặp mặt tại chương trình này), thường xuyên gửi chi phí giục giã ân nhân đi khám sức khoẻ định kỳ và hồi hộp chờ kết quả sức khoẻ của anh báo về.
Trước đó, năm 2006, HLV Alfred Riedl nhận được khá nhiều hợp đồng quảng cáo cá nhân. Báo chí quốc nội nhiều lần chỉ trích ông gác lại việc công vì việc riêng và có những bài viết “nhắc nhở và đặt câu hỏi”. Tuy nhiên, HLV người Áo chưa bao giờ thanh minh hay giải thích, ông âm thầm nhờ trợ lý Mai Đức Chung tìm giúp những hộ nghèo xung quanh Trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn, lấy toàn bộ số tiền thù lao kiếm được từ quảng cáo đến tận nơi, trao tận tay các hộ nghèo đó. Ông tuyệt đối không cho phép bất cứ ai tiết lộ bí mật này cho đến khi HLV Mai Đức Chung lên tiếng.
Điều đáng lưu tâm là đó không phải một lần HLV Alfred Riedl làm từ thiện, mà ông lặp lại nhiều đợt như thế. Nhưng thay vì kêu gọi ai đó chung tay hoặc làm marketting, ông âm thầm tự tay đưa đến những gia cảnh khó khăn và không bao giờ muốn tiết lộ hành động mà ông cho là “không đáng bàn” của mình!
Cách sống chí tình, chí nghĩa, ơn đền nghĩa trả, tương thân tương ái của HLV Alfred Riedl khiến những người có điều kiện sống gần ông cảm nhận rõ ràng. Họ bảo, ông thầy người Áo đã được “Việt hoá” tính cách sau thời gian dài sống trên quê hương thứ hai.
Phải chăng, đó cũng là lý do ông được yêu mến tại Việt Nam, bất chấp ông không thể tạo ra thành tích chạm đỉnh vinh quang như HLV Henrique Calisto và nhà cầm quân đương nhiệm Park Hang Seo?
Bảo Thắng (Tuổi Trẻ&Đời Sống)