“Sân bóng của các bạn nhiều khói thuốc quá”, Radouan vừa nói, vừa ngẩng mặt nhìn tôi cười cười. “Tôi phải ghi vào đây để lát nữa lên sân khấu còn nói”. Người bạn Pháp lật tờ giấy ghi ngắn gọn vào đó, tự tìm cho mình những “tài liệu” mà anh là khách mời được phát biểu.

Tuy nhiên, khi bước lên sân khấu, dưới cả chục camera đang hướng về mình, cả trăm ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa háo hức chờ xem “hắn ta nói gì”, Radouan lại… cất dòng ghi chú mà anh ta đã gạch chân lúc trao đổi với tôi dưới cánh gà. Tôi hỏi: “Sao không nói ý đó?” Radouan ngập ngừng: “Có khi để sau tốt hơn”. Nhưng từ đó đến cuối buổi, Radouan quên mất mình định nói gì hoặc quên có chủ đích. Có lẽ, anh ngại phê phán điều gì đó không hay trong lần đầu tiên được mời đăng đàn trong ngày ra mắt một giải đấu quy mô như VCK vô địch sân 7.

Đó không phải là lần đầu tiên tôi gặp Radouan. Cũng không phải lần đầu tiên anh chàng này nói về khói thuốc, mà lần nào anh cũng mong là ra sân… không nhìn thấy khói thuốc. “Hút thuốc nhiều sẽ làm hại đến hệ hô hấp của các bạn. Cầu thủ hút thuốc nhiều khó mà khoẻ lâu, nhưng những người ảnh hưởng cũng nặng nề lắm”, Radouan nhấn mạnh “ở nhiều CLB Pháp, họ có thể trục xuất ngay nếu nhìn thấy ai đó mang thuốc lá ra sân tập”.

Mong mỏi là thế, nhưng tôi chắc Radouan sẽ phải thích nghi thôi. Sân bóng Việt Nam, nhất là các sân phủi, nếu cấm thuốc lá thì… sân đóng cửa luôn là vừa. Vì để tìm ra người không hút thuốc trong một đội bóng có khi còn khó hơn phối hợp ghi bàn:))

+++++++

Ngại nói về khói thuốc, nhưng hoàn toàn cởi mở về chuyên môn, người bạn Pháp sẵn sàng góp ý về những điều mà anh nhìn thấy trong suốt 5 năm sinh sống tại Việt Nam. Anh bảo, bóng đá Việt Nam, kể từ đội ở V.League đến đội phong trào, cầu thủ đều có kỹ thuật khéo léo, nhanh nhẹn. Nếu nói về xuất phát điểm, cầu thủ Việt Nam không kém bất cứ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là vào sân đá cứ ào ào, lúc nào cũng vội vàng tiến lên phía trước mà không có nhịp điệu. Điều đó tất nhiên khiến chất lượng chuyên môn không đảm bảo, nhưng hệ quả kéo theo là đôi khi, các đôi bóng không bảo vệ được thành quả của mình. Radouan dẫn chứng một vài trận đấu phủi sừng sỏ mà anh biết, khi một đội dẫn trước đối thủ 2-3 bàn vẫn bị thua ngược hoặc gỡ hoà do “lúc nào cũng ào ào”, thắng rồi thì tiết giảm nhịp độ và tỉnh tảo hơn mới phải.

Radouan, người bạn Pháp từng là cựu cầu thủ CLB Nantes trong vai trò khách mời của buổi Giới thiệu VCK Vô địch sân 7 toàn Hà Nội hôm 13/12

“Ở châu Âu, các đội bóng chơi theo giai đoạn, lúc nhanh lúc chậm. Họ triển khai từng bước một, lúc nhanh lúc chậm chứ không “xung phong” toàn diện như Việt Nam”, Radouan nói “Tôi không có ý so sánh hay chê bai điều gì nhưng đấy là những gì tôi nhìn thấy. Nó khác với điều tôi cảm nhận ở châu Âu”, Radouan chia sẻ.

Riêng ở mặt trận phong trào, Radouan nói rằng, anh có cơ hội đi đến nhiều sân bóng, quan sát rất nhiều đội thì đặc điểm dễ nhận thấy nhất là… cầu thủ đội nào cũng không muốn tập mà chỉ muốn thi đấu. “Ở cấp độ nào cũng thế, nếu không tập luyện tốt thì bạn sẽ chẳng bao giờ thi đấu tốt. Một cầu thủ tốt không phải anh ta đá 1 trận tốt, hoặc đá 1 giải tốt mà anh ta phải chơi nhiều trận tốt và nhiều giải tốt cơ. Thi đấu đương nhiên là tốt, nhưng nếu thi đấu mà thiếu rèn luyện kỹ năng thì bạn chỉ có thể tiến đến một ngưỡng trung bình và không bao giờ đạt hàng Top được”.

Nói thêm về chuyện tố chất cầu thủ Việt Nam gói gọn trong khuôn khổ “phủi”, HLV sinh năm 1985 này cho biết, anh thấy hơi phí khi các cầu thủ chú trọng phát triển cá nhân hơn là cố gắng chơi cho tập thể. “Một chọi một nhiều bạn làm rất tốt, nhưng khi phối hợp hoặc cùng nhau làm việc kiểu Teamwork thì chưa nhiều đội bóng làm được. Nếu các đội bóng phong trào của các bạn chú trọng nhiều hơn đến phần này thì tôi tin, sẽ có nhiều chuyện tốt đẹp xảy ra”, Radouan nói.

+++++++++++

Radouan sống ở Việt Nam 5 năm và làm mọi việc liên quan đến bóng đá. Ở Pháp, anh từng là cầu thủ chuyên nghiệp, thi đấu cho Nantes ở Ligue 1- đội bóng được mệnh danh là Chim Hoàng Yến của xứ sở hình Lục lăng. Nantes là cái nôi đào tạo có tiếng, cùng với Auxerre và trung tâm Clairfonten của LĐBĐ Pháp. Nantes chú trọng đào tạo vì họ không phải PSG, Monaco hay Marseille – những đội bóng đủ tiền để biến tham vọng thành thực tế.

Radouan sống trong cái nôi đào tạo từ gốc nên anh hiểu giá trị của bóng đá trẻ và sứ mệnh của nó mang lại. Cho nên, chẳng có gì lạ chàng trai người Pháp đến Việt Nam với tiêu chí công việc là huấn luyện bóng đá trẻ và phát triển thể thao từ học đường.

Radouan thay mặt Sân cỏ 365 tặng quà lưu niệm cho dj nhân làng Phủi Hà thành, Đào Ngọc Anh “Tệu”. Chú “Tệu” là đại diện cho nhà tài trợ Dilmah.

5 năm qua, Radouan làm việc ở Trường quốc tế Yersin, trung tâm HYS của cựu cầu thủ Lưu Danh Minh đồng thời hỗ trợ “công chúa” một thời của bóng đá nữ Việt Nam, Đỗ Thị Ngọc Châm.

Hai năm gần đây, Radouan kiêm thêm vai trò Trưởng BTC giải bóng đá HYFL (Ha Nọi Youth Football League) dành cho các trường Quốc tế. Anh bôn ba khắp nơi, hiện diện trên khắp các sân bóng nội thành để theo đuổi sứ mệnh gắn kết và xây dựng nền tảng từ học đường. Ở một khía cạnh nào đó, Radouan không chỉ kiếm sống bằng nghề nghiệp mà anh theo đuổi, anh còn đang “vô tình” giúp bóng đá Việt Nam gây dựng phong trào từ các em học sinh.

Radouan bảo, thời gian đầu sang Việt Nam, anh bất ngờ vì tình yêu bóng đá của người Việt. “Đôi khi, tình yêu của các bạn bị đẩy đến mức điên cuồng. Đội phong trào đã dữ dội, khi Đội tuyển đá thì tôi không tin vào những gì mình nhìn thấy…”

Cựu cầu thủ chuyên nghiệp của Nantes không hạn định cho mình Visa ở Việt Nam là bao lâu. Anh bảo, có thể là 5 năm, 10 năm hoặc… ở lại luôn. Ưu tiên của anh vẫn là bóng đá học đường, nhưng Radouan cũng không ngại nếu được trải nghiệm nhiều hơn trên đất nước mà anh đang coi là “điểm đến thú vị của cuộc đời”.

Chúng tôi, những người làm bóng đá luôn chào đón anh, một người bạn Pháp dám nói lời thật với bóng đá Việt Nam dù chỉ ở góc độ phong trào!

Bảo Thắng

Ảnh: Đức Trung – bongdasan7