Khi Văn Hậu được ký hợp đồng với Heerenveen, nhiều người tin rằng hậu vệ 20 tuổi sẽ sớm được ra sân ở giải VĐQG Hà Lan. Có hai lý do để niềm tin ấy được cổ suý: 1/ Văn Hậu là tài năng hiếm có của BĐVN với thể lực, thể hình vượt trội (ít nhất là so với các cầu thủ Việt Nam). 2/ Nhìn vào danh sách của Heerenveen, đội bóng này chỉ có đúng 1 cầu thủ đăng ký chính thức ở vị trí hậu vệ trái. Cơ hội của Văn Hậu là cao. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác…

Giỏi ở Ta, lạ ở Tây

Văn Hậu đến Hà Lan được xem là thương vụ không phải thương mại của Heerenveen. Nó khác với cách Công Phượng đi Bỉ?! Những yếu tố đầy hy vọng về cơ hội ra sân của Văn Hậu của thời gian đầu sang châu Âu ngày càng trở nên mong manh khi tuyển thủ Việt Nam liên tục ngồi ghế dự bị. Đối với nhiều người, đây là sự “ngó lơ” khó hiểu của HLV trưởng Heerenveen, nhưng thực tế, những người làm chuyên môn ở Việt Nam đều hiểu, đấy là chuyện bình thường. Văn Hậu có thể là nhân tố không thể thiếu ở đội tuyển Việt Nam nhưng ở Hà Lan, anh chỉ là một cái tên xa lạ, đến từ đất nước “rất xa xôi” và chưa nhiều dấu ấn trên bản đồ bóng đá thế giới.

Nó chẳng khác gì một cầu thủ giỏi (nhưng vẫn thuộc diện tài năng trẻ) của Brunei hay Campuchia sang đầu quân cho một đội bóng giàu truyền thống tại V.League và muốn ngay lập tức lọt vào đội hình chính thức. Thử hỏi, chuyện đó có thực tế không?

Chắc chắn là không!

Cho nên, việc Văn Hậu ngồi dự bị chẳng có gì to tát cả. Cơ hội thực tế nhất và sáng sủa nhất của Văn Hậu là được chơi ở mặt trận phụ, dành cho đội dự bị của Heerenveen. Và chúng ta cũng nên biết, để lọt vào đội hình chính của đội dự bị Heerenveen cũng chẳng phải chuyện cứ muốn là được. Văn Hậu đã phải nỗ lực tột độ, tập luyện “lè lưỡi” mới nắm bắt được cơ hội ấy!

Hơn nữa, ở bất cứ đội bóng nào trên thế giới, danh sách đăng ký thi đấu được đăng tải công khai không phải bản chất thực sự của đội bóng đó. Heerenveen cũng vậy.

Trên giấy tờ, đội bóng này có mỗi Lucas Woundenberg là hậu vệ trái, nhưng trong tay HLV Jensen có rất nhiều cầu thủ dư sức thay thế Woundenberg và họ không nhất thiết phải ghi chú thêm một dòng: “đây là hậu vệ trái” hoặc “cầu thủ này chơi được hậu vệ trái”. Mọi sự thay đổi nhân sự của HLV trưởng phụ thuộc vào đối thủ, ý đồ chiến thuật và tình hình thực tế trận đấu!

Những gì diễn ra thời gian vừa rồi tại Heerenveen đã chứng minh, khi Woundenberg chấn thương và sa sút phong độ, người được chọn nếu không phải Floranus thì là Van Rhjin, Văn Hậu không có chỗ. Trong trường hợp hai cầu thủ này (và cả Woundenberg) không thể ra sân, chưa chắc cơ hội đã dành cho hậu vệ Việt Nam. Với những HLV chuyên nghiệp tại châu Âu, sự sòng phẳng về chuyên môn luôn được đề cao. HLV Jensen cũng nằm trong số đó và một khi chưa thấy Văn Hậu đủ tin cậy thì ông ta sẽ không sử dụng!

Ngoại ngữ không phải rào cản!

Theo quan điểm của nhiều người, Văn Hậu chưa có chỗ trong đội hình Heerenveen là bởi rào cản ngoại ngữ. Tuy nhiên, đây là lý do mang nhiều tính chất “xoa dịu” hơn là thực tế. Vì bản thân trái bóng đã là một thứ ngôn ngữ chung dành cho cả thế giới, nên khó có chuyện một cầu thủ không rành ngoại ngữ lại khó hoà nhập chuyên môn với các đồng đội! Nếu Văn Hậu đủ giỏi tương đương hoặc hơn các cầu thủ hiện có của Heerenveen, ngoại ngữ chỉ là chuyện nhỏ. Người khác sẽ phải “lắng nghe” Văn Hậu, tìm cách hoà nhập với cậu ấy trên sân bóng chứ không phải chờ đợi những cuộc giao tiếp bình thường. Có chăng, hạn chế ngoại ngữ chỉ khiến Văn Hậu không muốn ở lại lâu với Heerenveen vì những khác biệt văn hoá hay khó tìm kiếm những sự chia sẻ nơi đất khách quê người mà thôi.

Hãy nhìn Công Phượng. Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL ngoại ngữ cực ổn, nghe nói trôi trảy nhưng cũng chẳng thể tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho mình ở St Truidense. Trong khi đó, danh thủ nổi tiếng toàn cầu là Ronaldinho gần như không nói được tiếng Anh nhưng lại gắn bó gần như cả sự nghiệp tại châu Âu. Mỗi buổi phỏng vấn của Ronaldinho diễn ra đều bằng tiếng Brazil (tiếng Bồ Đào Nha) hoặc được trợ giúp bởi phiên dịch.

Ngay cả Cristiano Ronaldo cũng mất vài mùa khổ sở vì giao tiếp không được nhiều khi mới đến MU (sau này CR7 mới học) nhưng cả Ronaldinho lẫn Ronaldo vẫn dễ dàng hoà nhập với các đồng đội về chuyên môn. Trên thế giới, chẳng phải cầu thủ nào cũng nói được tiếng Anh hoặc biết tiếng quốc gia mình đến chơi bóng và cũng chưa có tiêu chí nào bắt buộc cầu thủ “phải biết ngoại ngữ” khi các CLB tuyển ngoại binh. Ở Việt Nam cũng vậy, cứ đáp ứng được chuyên môn là ok, việc còn lại tính sau!

—————–

Văn Hậu nên rời Heerenveen!

Chúng ta cần phải đánh giá một cách lý trí và thực tế hơn về cơ hội chơi bóng ở châu Âu của Văn Hậu, Công Phượng, trước đó là Xuân Trường, Tuấn Anh cũng như các cầu thủ được xem là tài năng hiện nay. Song song với đó, sự phát triển nội tại của nền bóng đá cũng nên được nhìn nhận đúng mực.

Văn Hậu, Công Phượng và rất nhiều cầu thủ khác như Quang Hải, Văn Thanh, Hùng Dũng là những cầu thủ có hướng phát triển tốt. Nhưng thế hệ trẻ tài năng mà chúng ta đang có dường như chưa đủ hành trang đương đầu với thử thách ở châu Âu. Ở đây, cái thiếu then chốt nhất chính là trình độ chuyên môn. Mà trình độ chuyên môn thì không thể khắc phục trong một sớm một chiều, cũng không thể muốn nâng cấp là nâng được ngay. Con người là một sản phẩm đặc biệt mang tính thế hệ, còn cầu thủ giỏi là tổng hoà của rất nhiều yếu tố. Trong đó, chất xúc tác cần thiết là yếu tố thời gian và một kế hoạch căn cơ đường dài. Thời điểm này, không chỉ Văn Hậu, mà bất cứ cầu thủ Việt Nam nào sang châu Âu cũng khó thành công!

Hãy nhìn sự lựa chọn của Văn Lâm để thấy rõ hơn khả năng hoà nhập của cầu thủ Việt Nam ở môi trường nào thì phù hợp? Thủ thành mang hai dòng máu Nga Việt, thể hình và ưu thế khả quan nhất để hoà nhập với môi trường bóng đá châu Âu. Nhưng cuối cùng, Văn Lâm vẫn chọn Việt Nam, rồi hiện nay là Thái Lan chứ chả phải châu Âu. Bởi Văn Lâm hiểu, ở đâu anh mới có cơ hội ra sân, ở môi trường nào thì anh mới có thể chơi bóng phù hợp với khả năng?

Tôi chắc rằng, những người làm chuyên môn ở Việt Nam, những HLV đang trực tiếp cầm quân tại V.League sẽ không khuyên cầu thủ của mình sang châu Âu. Vì họ hiểu, cầu thủ Việt Nam chưa thể vượt ngưỡng và đứng ngang hàng với các cầu thủ châu Âu được! Cái đích thực tế và hợp lý nhất với cầu thủ Việt Nam là các giải đấu trong khu vực, mà điểm đến ưu tiên là Thái Lan. Nếu chơi tốt tại Thái Lan, chúng ta có thể đặt mục tiêu tiến lên một bước nữa là gia nhập các giải đấu tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ khi chinh phục trơn tru các giải đấu này rồi, cầu thủ Việt Nam mới đủ sức tiếp cận những giải đấu trung bình khá ở châu Âu, như Hà Lan, Áo, Bỉ, Scotland.

Văn Hậu cần được giải cứu, như cách TPHCM giải cứu Công Phượng. Văn Hậu cần một định hướng đúng đắn để phát triển hơn là tiếp tục gồng mình trên sân chơi mà khả năng thành công có xác suất rủi ro như đánh xổ số. Chuyện trở về của Văn Hậu không phải là sự bỏ cuộc trong thất bại. Mà đơn giản, đó chỉ là cách hậu vệ này và những người có trách nhiệm với anh lựa chọn lại con đường sao cho phù hợp hơn. Vậy thôi…

Bảo Thắng (Bài đăng trên Báo Tuổi trẻ&Đời sống số ra ngày 20/02/2020)

Ảnh: Heerenveenfc