
Màn trình diễn thuyết phục trong hơn 1 năm dưới triều đại HLV Park Hang Seo mở ra tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà. Điều đó khiến nhiều người kỳ vọng, thế hệ hiện tại có thể hướng tới sân chơi World Cup 2022. Tuy nhiên, giấc mơ ấy có khả thi?
Hãy nhìn người Thái….
Khi thống trị bóng đá Đông Nam Á hết giải này đến giải khác, Thái Lan cũng đã từng có chương trình “Hướng đến World Cup”. Họ khao khát hiện thực hoá giấc mơ ấy trên diện rộng và bắt tay vào công cuộc xây dựng. Phải nói là người Thái đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình ở khía cạnh bóng đá và xã hội hoá bóng đá. Họ xây nền bằng những giải đấu quốc gia từ những U nhỏ và chăm lo “phần ngọn” là ĐTQG tương đối chu đáo. Có thời điểm, người hâm mộ khu vực nhìn thấy Thái Lan tiếp cận rất gần với tấm vé World Cup. Đơn cử như cách đây 2 năm, đội bóng được dẫn dắt bởi huyền thoại Kiatisak đã lọt vào đến vòng đấu bảng cuối cùng của châu Á. Họ chơi ngang ngửa với các đội bóng hàng đầu như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, UAE, Iraq và chỉ thiếu “một tý xíu” là giành được những trận thắng quan trọng.

Trận ra quân, họ chơi cực tốt trước Nhật Bản khi chỉ chịu thúc thủ 1-2 trong thế trận kiểm soát bóng tốt hơn, cơ hội nhiều hơn. Thời điểm ấy, đội bóng của Kiatisak được kỳ vọng có thể lọt vào top 3 đội dẫn đầu để có thể giành vé đến World Cup. Tuy nhiên, “một tý xíu” còn thiếu ấy càng ngày càng trở nên… khổng lồ. Thái Lan thua hết trận này đến trận khác, tất cả đều trong nuối tiếc. Càng đi sâu, họ càng cảm thấy mình hụt hơi và việc kiếm điểm ở sân chơi này khó hơn những gì họ mơ rất nhiều.
Kết thúc cuộc chạy đua đến nước Nga, Thái Lan xếp chót bảng với vỏn vẹn 2 trận hoà và 8 trận thua, kém đội dẫn đầu Nhật Bản tận… 18 điểm. Giấc mơ World Cup trở nên thực tế hơn với người Thái theo cách không thể cay đắng hơn. Thâm chí, sau vòng đấu loại ấy, huyền thoại Kiatisak cũng cảm thấy xấu hổ và xin từ chức. World Cup là sân chơi cần nhiều yếu tố hơn giấc mơ, trong đó, hệ thống nền tảng cần sự đầu tư có chiều sâu cả về thời gian lẫn tâm sức.
… để thấy bóng đá Việt Nam chưa đủ tầm World Cup
Không phủ nhận, ĐT Việt Nam hiện nay đã có những bước tiến lớn về chất lượng chuyên môn. Chúng ta có thể chơi ngang hàng, chơi sòng phẳng với các đối thủ mà trước đây, hễ gặp họ là người ta “biết trước kết quả”. ĐT Việt Nam sở hữu thế hệ cầu thủ rất triển vọng. Họ có trình độ tốt, hiểu vị trí, linh hoạt thích nghi với nhiều kiểu chiến thuật và trên hết, họ có sự lạnh lùng về chuyên môn hơn hẳn các bậc đàn anh đi trước.
ĐT Viêt Nam có thể thi đấu “không tưởng” trước nhiều đối thủ mạnh trong khoảng hơn 1 năm qua. Có những trận đấu, có những hiệp đấu, người hâm mộ không ngờ các cầu thủ lại khoẻ đến thế, bản lĩnh đến thế trước các đội bóng hàng đầu châu lục. Họ thi đấu như những đội bóng lớn đúng nghĩa, biết gây áp lực toàn sân, biết công thủ nhịp nhàng, biết kiểm soát bóng trong những thời khắc khó khăn.

Thế nhưng, điều đó vẫn chỉ tồn tại trong thời điểm này, khi đội bóng được HLV Park Hang Seo dẫn dắt. Nó chưa được phổ biến trên diện rộng, và chúng ta cần hiểu rằng, giấc mơ World Cup không thể chỉ trông chờ vào “mũi nhọn” duy nhất là đội tuyển, không thể chỉ dựa vào tài điều binh khiển tướng của HLV Park Hang Seo.
Thế hệ cầu thủ của Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Quế Ngọc Hải có thể thi đấu chục năm tới đây, nhưng không ai dám chắc, họ sẽ đảm bảo được phong độ tuyệt vời như hiện nay. Hơn nữa, 10 năm tới, cũng chẳng ai biết chúng ta có còn sở hữu HLV Park Hang Seo hay không? Và mấu chốt quan trọng khác: Liệu VFF có chú tâm xây dựng nền tảng cho bóng đá Việt Nam hay họ vẫn chỉ trông chờ vào phần ngọn là ĐTQG để giữ ghế?
Mới đây, ngay trong thời điểm được tung hô đến tận mây xanh, HLV Park Hang Seo vẫn đủ tỉnh táo để nói ra điều tế nhị: “Bóng đá Việt Nam cần đầu tư từ lứa U10 ngay từ bây giờ mới có thể mơ về tấm vé World Cup”.
Chiến lược gia người Hàn Quốc thừa hiểu chuyện gì đang xảy ra và bóng đá Việt Nam thiếu gì. Cái ông muốn nhắn nhủ chính là hệ thống đào tạo nền tảng. Chúng ta không thể chỉ trông vào mỗi lứa cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng mà cần tạo ra nhiều thế hệ kế cận như thế. Và để thực hiện điều này, không có cách nào khác là phải đào tạo nghiêm túc. Bóng đá Việt Nam chắc chắn không thể hái quả ngọt nếu vẫn giữ cách “chỉ phát triển phần ngọn” như hiện nay.
Chúng ta không cần rút kinh nghiệm ở đâu xa xôi, mà chỉ cần nhìn vào bài học Thái Lan để tự kiểm chứng. Bóng đá xứ sở chùa Vàng từng thống trị ổn định sân chơi khu vực, từng tiếp cận rất gần trình độ của những đội bóng hàng đầu nhưng giấc mơ vẫn chưa thể trở thành hiện thực. “Một tý xíu” còn thiếu của Thái Lan có thể cũng là “một tý xíu” mà bóng đá Việt Nam mải miết đi tìm.

Chúng ta chưa thống trị bóng đá Đông Nam Á như Thái Lan từng làm. Chúng ta cũng chưa thường xuyên đánh bại những đội bóng được coi là top đầu, và chúng ta cũng không dám chắc có điểm trước ngũ đại gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Australia, Iran. Vẫn còn khoảng cách nhất định khi đối đầu với họ. Ngay ở VCK Asian Cup 2019 vừa rồi, ĐT Việt Nam gần như không có cơ hội trước Iran ở vòng bảng. Và dù tạo được thế trận đầy quả cảm khi đối đầu với Nhật Bản ở vòng knockout, thì rốt cuộc chúng ta vẫn phải dừng bước. Chẳng ai nói đấy là bất ngờ, vì Nhật Bản vẫn ở đẳng cấp khác. Họ đã đi trước bóng đá Việt Nam khoảng 20 năm với hệ thống đào tạo tầng tầng, lớp lớp và đảm bảo thành tích ổn định cho bất cứ HLV nào cầm quân.
World Cup là cái đích, là giấc mơ không thể không dám nghĩ của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, để ngay lập tức “bay” đến Qatar 2022 thì gần như là điều không tưởng. Chúng ta không nên đặt áp lực và kỳ vọng quá sức đối với ĐT Việt Nam hiện tại. Vì ở một sân chơi tầm cỡ như thế, chỉ mình thầy trò Park Hang Seo cố gắng là chưa đủ!
Bảo Thắng (bài đăng trên Báo Tuổi trẻ đời sống số Tất niên năm Mậu Tuất 2018)
Ảnh: laodong.vn