
Để nhớ một thời sân đất oanh liệt của Hà thành, người ta không thể về đâu ngoài sân bóng làng Triều Khúc để cảm nhận. Tại đó, mặt sân đất nện phủ một màu nâu thẫm với những đường ranh giới nghiêng ngả tái hiện gần như đầy đủ “tinh thần bao cấp”, có cả ổ gà lẫn bụi bặm.
Người ta thật khó tìm đâu một sân bóng mà đường biên còn kẻ theo cách truyền thống là vôi nước, cứ cách một đoạn lại đứt một đoạn do cầu thủ giẫm lên. Có nơi in nguyên hình đế giày ba ta tàu huyền thoại trên đó. Cột cầu môn của sân bóng làng cũng lưu giữ được hồn quê, khi trụ sắt vẫn loang lổ trắng đen.
Các cầu thủ thi đấu trên mặt sân rụng đầy lá cây, khán giả ngồi san sát bốn góc biên, sẵn sàng hít bụi bất chấp họ đang mặc trên mình những bộ quần áo của ngày Tết. Sân làng bước vào trận đấu vẫn mang đủ dư vị của phủi cũ, khiến cả người chơi lẫn người xem khó mà quên được.
Chỉ cần một cơn gió mạnh, cát đá, lá cây bay loạn xạ, táp vào mặt là bất cứ ai cũng rệu rạo sạn trong mồm. Chưa kể, những cơn gió kiểu thế đôi khi khiến cả người trong cuộc lẫn người xem kịch phía ngoài cũng phải nhắm mắt nhắm mũi, đứng hình vài giây mới dám hành động tiếp. Giờ, chỉ tính riêng khu vực Hà Nội, để tìm ra các cầu thủ quần áo lấm lem, sặc mùi đất cát, chân tay loang lổ màu cà phê sau trận đấu là … không đơn giản. Sân bóng Triều Khúc lưu giữ cái “Hồn phủi cũ” chính bởi chỗ đó!
Hôm chính Hội, Old Trafford làng nghề đông không khác gì chợ Tết. Cầu thủ đá cứ đá, Chầu văn hát cứ hát. Tiếng BLV, tiếng ồn ào của sân bóng lẫn lộn với âm thanh réo rắt của cung văn càng khiến không khí đầu Xuân trở nên rạo rực, tạo nên không khí đặc trưng nức nở của một làng nghề truyền thống điển hình của Bắc bộ.
Triều Khúc lưu giữ sân bóng xứng đáng được ghi vào sách giáo khoa, như cách lễ hội của làng nghề truyền thống phía Đông Hà Nội được nhà nước công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia!
Người làng gần như không ai nhớ chính xác giải bóng đá chào Xuân thường niên của họ có từ bao giờ. Chỉ biết cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, giải đấu được coi là một trong những sự kiện nằm trong lễ hội truyền thống của làng. Không thể thiếu.
Chính Hội làng Triều Khúc kéo dài từ mùng 9-12 hàng năm theo Âm lịch, nhưng không khí hân hoan đón chào Xuân mới phải tính từ… sau ông Công ông Táo của năm cũ cho đến quá Rằm tháng Giêng mới nguội đi một chút.

Giải bóng đá của làng được tổ chức trang nghiêm và ấm áp, đủ để các thế hệ từng chơi bóng trong khuôn viên một bên là chợ, một bên là “các cụ” cảm nhận được không khí đặc biệt của tiết Xuân nhưng cũng chẳng mất đi tinh thần rực lửa của cuộc nội chiến giữa những người anh em.
Các bậc cao niên làng Triều Khúc tổ chức giải bóng đá cho thế hệ con cháu để duy trì sân chơi truyền thống, nhưng cũng qua đó, họ hồi tưởng một thời của chính mình. Nét văn hoá đặc trưng sóng sau tiếp nối sóng trước như biển cả đại dương có lẽ chỉ còn được duy trì ở Triều Khúc.
Nét đặc biệt khiến làng nghề phía Đông Thủ đô được nhớ đến là họ đủ sức thành lập cả chục đội bóng dự giải. Mỗi xóm một đội, mỗi đội một lực lượng, không va chạm, không tranh chấp nhân sự. Một ngôi làng sở hữu rất nhiều cầu thủ đá hay, hoặc chưa hay nhưng biết chơi là điều thực sự hiếm. Vì thông thường, các ngôi làng cổ như Triều Khúc ở Hà Nội và các khu vực lân cận chỉ có một đội đại diện, hoặc một vài đội là cùng chứ không thể thành lập cả chục đội vẫn dư như Triều Khúc.
Thế nên, để nếm cho đủ phong vị Thủ đô, người ta cần về Triều Khúc ít nhất một lần, để đắm mình trong không gian tân cổ giao duyên giữa đất và trời, giữa người cũ và người mới, để cảm nhận thật sâu Tết làng giữa lòng thành phố ngàn năm văn hiến!
Bảo Thắng