Thành công của Đặng Văn Lâm trong màu áo ĐT Việt Nam thời gian gần đây đã tiếp thêm hy vọng cho các cầu thủ Việt kiều muốn trở về cống hiến cho quê hương. Tuy nhiên, để hiện thực...
Thành công của Đặng Văn Lâm trong màu áo ĐT Việt Nam thời gian gần đây đã tiếp thêm hy vọng cho các cầu thủ Việt kiều muốn trở về cống hiến cho quê hương. Tuy nhiên, để hiện thực hoá điều này không phải chuyện đơn giản…
Rào cản quá khứ
Kêu gọi người tài ở khắp nơi trên thế giới về cống hiến cho tổ quốc là chiến lược của chính phủ Việt Nam chứ không riêng gì bóng đá. Quê hương là “chùm khế ngọt” và những ai khao khát trở về luôn luôn có cơ hội.
Thế nhưng, ở đây chúng ta phải hiểu rất rõ là “trọng dụng nhân tài về làm việc” chứ không phải đón một người con xa quê về chơi. Vì nếu về chơi, ai cũng có thể về và về bất cứ lúc nào họ muốn. Đó là quyền. Còn trở về làm việc và có vị trí tốt trong lĩnh vực của mình lại là câu chuyện khác.
Bóng đá Việt Nam từ cách đây hơn chục năm đã có những cuộc hồi hương rất mất công tốn sức, nhưng hiệu quả thu về khá hạn chế. Vấn đề then chốt nhất ở đây vẫn là trình độ của các Việt kiều muốn cống hiến cho quê hương. Tiếp đó là cái đích để trở về quá “chọn lọc” khiến cơ hội của họ có thể chỉ là một lần.
Năm 2004, Ludovic Casset trở thành trường hợp đầu tiên được mời về thử sức trong màu áo ĐT Việt Nam. Với bản lý lịch được quảng cáo là “đang chơi bóng cho CLB Auxerre của Pháp”, cầu thủ mắt xanh mũi lõ có… bà ngoại là người Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng chất thép cho hàng thủ của ĐT Việt Nam tại Tiger Cup 2004. Bởi, để được đá chính tại Auxerre đâu phải chuyện đùa? CLB nổi danh nước Pháp từng một thời gian thống trị giải VĐQG (League 1) và là cái nôi đào tạo nhân tài cho đội tuyển Quốc gia nước này.
Ludovic Casset thất bại ở ĐT Việt Nam. Sau đó anh được Đà Nẵng trao cơ hội nhưng cũng không chứng tỏ được gì nhiều.
Tuy nhiên, Ludovic Casset nhanh chóng bộc lộ hạn chế lớn trên sân tập vì trình độ quá hạn chế. HLV ĐT Việt Nam lúc bấy giờ là Edson Tavares đã lắc đầu với trường hợp của Casset ngay trong buổi tập thứ hai anh tham gia. Sau này, người ta tìm được sự thật rất “choáng váng” là Ludovic Casset chỉ chơi bóng ở giải hạng Tư, hạng Năm của Pháp và Auxerre mà anh đầu quân chỉ có tên… giống với tên của đội bóng nổi tiếng mà thôi.
Một năm sau trường hợp đón hụt Ludovic Casset, bóng đá Việt Nam tiếp tục có phen nháo nhào khi một vài Việt Kiều kết nối với quan chức VFF giới thiệu Tony Lê Hoàng trở về từ Ba Lan. Cầu thủ này được quảng cáo “vừa đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải U19 Ba Lan”.
Tony Lê Hoàng không đủ thể lực để đáp ứng buổi tập chứ chưa nói đến thi đấu
Niềm hy vọng sở hữu Việt kiều “xịn” khiến dư luận trong nước sục sôi háo hức. Tuy nhiên, Tony Lê Hoàng cũng không khác gì Ludovic Casset. Anh bị HLV Alfred Riedl lắc đầu từ chối cũng chỉ sau hai buổi tập. Lý do lớn nhất của Tony Lê Hoàng là thể hình và thể lực quá hạn chế, trong khi trình độ chuyên môn không có gì xuất sắc. Anh không thể cạnh tranh nổi với những tiền vệ U23 mà HLV Alfred Riedl sở hữu thời điểm đó như Lê Quốc Vượng, Huỳnh Quốc Anh, Lê Tấn Tài, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Vũ Phong. Nhà cầm quân người Áo nổi tiếng nhã nhặn chỉ nhận xét ngắn gọn một câu: “Tony cần một cơ hội khác, ở thời điểm khác. U23 Việt Nam hiện nay đã đủ đội hình”.
Ông Riedl cố gắng không nhắc đến điểm yếu của Tony Lê Hoàng để tránh cho anh những bẽ bàng, nhưng ông không ngăn được người hâm mộ Việt Nam nói chung đã bắt đầu thấy “mệt mỏi” vì trình độ của các cầu thủ Việt kiều được quảng cáo trên trời.
Sau Ludovic Casset và Tony Lê Hoàng, bóng đá Việt Nam đón thêm rất nhiều Việt kiều về thử sức như trường hợp của anh em Emil Lê Giang và Patrick Lê Giang từ Slovakia năm 2009, Johnny Nguyễn, Michel Lê (từ Pháp), Mạc Hồng Quân (từ CLB Sparta Praha), Michal Nguyễn (Banik Most, CH Séc) nhưng chỉ mình Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn trụ lại được ở V.League.
Số còn lại chỉ khiến người hâm mộ thất vọng. Như anh em Emil và Patrick Lê Giang, người trải qua nhiều CLB thử việc không thành, người vướng vấn đề quốc tịch cũng đành phải chia tay. Johnny Nguyễn được tạo cơ hội tập luyện ở CLB Hà Nội nhưng không gây ấn tượng nào, trong khi Michel Lê được tạo điều kiện chơi 1 hiệp trong màu áo ĐT U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 2013 nhưng sau đó cùng gia đình… thu dọn hành lý trở về Pháp mà không nói thêm câu nào.
Các trường hợp kể trên tuy không phải nguyên nhân chính, nhưng nó trở thành rào cản lớn cho những trường hợp trở về tổ quốc sau này. Vì khi đó, người hâm mộ và các nhà chuyên môn đã có cái nhìn dò xét và hoài nghi hơn với chất lượng của các Việt kiều.
Thêm một lý do nữa, tất cả các cầu thủ Việt kiều khi bày tỏ khát khao muốn trở về cống hiến cho quê hương nhưng đích đến của họ “phải là đội tuyển Quốc gia” chứ không phải một CLB. Nếu thi trượt ở đội tuyển, họ mới chấp nhận tìm kiếm cơ hội cho mình ở một CLB nội địa để thử sức. Tiến trình ngược của các cầu thủ Việt kiều tự thân trở thành rào cản cho chính họ. Vì ngay cả một CLB trung bình ở V.League cũng chẳng mặn mà với việc chiêu mộ Việt kiều vào đội bóng của mình.
Quốc tịch là vấn đề nan giải
Cầu thủ Việt kiều trở về quê hương nếu vượt qua cuộc sát hạch chuyên môn thì rào cản lớn nhất của họ là quốc tịch. Vì không phải lúc nào các cầu thủ cũng có thể dễ dàng xin được hai quốc tịch, chưa kể họ đã từng thi đấu cho các đội tuyển trẻ của quốc gia mình sinh sống.
Mới đây, thủ môn Filip Nguyễn – người thường xuyên được bắt chính cho CLB Slovan Liberec (CH Séc) được dư luận đặc biệt quan tâm. Với thể hình cao tới 1m92 và chuyên môn được thẩm định trên đấu trường châu Âu, Filip Nguyễn được cho là “đủ trình độ” để tham gia đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất của Filip Nguyễn chính là làm thế nào để có quốc tịch Việt Nam?
Trao đổi với TT&ĐS, HLV Mai Đức Chung, người đang cầm trên tay bản CV của Filip Nguyễn cho biết, “Filip Nguyễn cao hơn 1,9m. Thầy của cậu ấy đã từng huấn luyện thủ môn nổi tiếng Petr Cech rất nhiều năm. Cậu ấy đang bắt rất hay ở CH Czech mà chúng ta chưa làm gì được”, thuyền trưởng tuyển Nữ Việt Nam chia sẻ “Về kỹ năng thì phải thừa nhận rằng, Filip Nguyễn bắt chính ở một trong những CLB lớn nhất Czech thì về Việt Nam vấn đề còn lại chỉ là thích nghi. Tôi không nghi ngờ gì năng lực của Filip Nguyễn cả vì ở CH Séc người ta kiểm tra chuyên môn còn chặt chẽ hơn mình gấp nhiều lần”.
Đặng Văn Lâm là trường hợp hiếm hoi Việt kiều chứng tỏ được chuyên môn ở ĐT Việt Nam
Ông Chung còn tiết lộ thêm, chuyện quốc tịch là vấn đề chung nhưng lại “rất riêng” vì gia đình cầu thủ mới là người trực tiếp thực hiện được việc này. VFF và những ban ngành liên quan chỉ có thể trợ giúp và tác động.
Cách đây vài ngày, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã tạo điều kiện để HLV Park Hang Seo lên kế hoạch ra nước ngoài thị sát phong độ và trình độ của các cầu thủ Việt kiều. Hai tâm điểm của đợt thị sát này là Filip Nguyễn và Alexander Đặng – người đang chơi cho Nes-Sotra ở giải vô địch Na Uy.
ĐT Việt Nam dự kiến sẽ hội quân vào cuối tháng 6 để tham dự King Cup Thái Lan. Bản thân HLV Park Hang Seo cũng đã tuyên bố ủng hộ cầu thủ Việt kiều hồi hương. Tuy nhiên, việc triệu tập và sử dụng các cầu thủ Việt kiều vẫn là quy trình rất phức tạp. Bên cạnh năng lực chuyên môn, các vấn đề như hộ chiếu, tư cách đại diện đều cần xem xét kỹ. Với những cầu thủ đã khoác áo tuyển trẻ nước khác, VFF cần xác định rõ họ còn đủ tư cách chơi bóng cho tuyển Việt Nam theo luật Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) không? Vì nếu chúng ta sử dụng họ mà không rõ, cả nền bóng đá sẽ bị treo vì tội gian lận.
Bảo Thắng (bài đăng trên báo Tuổi trẻ&Đời sống số ra ngày 29/4/2019)