1/ Có thể bạn đã đọc câu chuyện này ở đâu đó: Chiếc tàu du lịch đang lướt sóng giữa biển khơi thì gặp sự cố. Bình ga phát nổ khiến mọi thứ vỡ toang, nước tràn vào trong. Thuyền...
1/ Có thể bạn đã đọc câu chuyện này ở đâu đó: Chiếc tàu du lịch đang lướt sóng giữa biển khơi thì gặp sự cố. Bình ga phát nổ khiến mọi thứ vỡ toang, nước tràn vào trong. Thuyền trưởng cùng đội thuỷ thủ khoảng hơn 30 người vật lộn với tử thần và may mắn sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ không có động cơ. Họ chẳng kịp mang theo thứ gì vì tất cả đã chìm xuống lòng đại dương.
Thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn lênh đênh cả ngày trên biển nhưng không có gì vào bụng nên họ đều lả đi cho đến khi mặt trời lên.
Một số nhân viên nữ quá mệt. Họ khát nước đến mức môi và da nứt nẻ. Bỗng, một thủy thủ nhìn thấy trên cổ người thuyền trưởng có đeo một bi đông đựng nước. Anh ta lập tức đề nghị thuyền trưởng cho các nữ nhân viên uống nước không họ sẽ chết mất.
Thuyền trưởng lắc đầu nói: "Chưa đến lúc nguy kịch". Các nữ nhân viên rũ xuống gào khóc Đoàn thủy thủ còn lại đều nhao nhao lên mạt sát người thuyền trưởng. Họ ném vào mặt ông những từ ngữ rất khó nghe đại loại như "kẻ xấu xa, ích kỷ, không có tình người và độc ác. Rằng, họ thật ngu ngốc mới làm việc cho ông". Rất nhiều lời nói thậm tệ diễn ra sau đó khiến gương mặt của thuyền trưởng tím tái vị sự xúc phạm ấy...
Một lát, có người định xông vào cướp bi đông nước. Người thuyền trưởng rút trong túi ra khẩu súng đã lên đạn, chĩa vào đám thủy thủ, gằn giọng: “Bi đông nước này là hy vọng cuối cùng của cả thuyền chúng ta. Chưa biết bao giờ chúng ta sẽ được cứu, nên chưa đến lúc nguy kịch thì không ai được động vào”.

Đoạn, ông giữ nguyên tư thế canh chừng, tay lăm lăm khẩu súng. Cả thuyền lả đi nhưng họ tiếp tục cầm cự. Hơn một ngày sau, họ được tàu cứu hộ tìm thấy. Lúc nhìn thấy tàu cứu hộ cũng là lúc người thuyền trưởng gục xuống. Việc đầu tiên đám thủy thủ làm nhảy đến giật bình nước trên cổ ông và mở ra định uống. Nhưng, đó là chiếc bình rỗng không...
Khoảng hơn 10 giờ sau đó, người thuyền trưởng tỉnh lại trên giường bệnh. Đám thủy thủ và nhân viên phục vụ đang vây quanh ông, người nào người nấy hai mắt ướt nhoè. Thuyền trưởng mở mắt hỏi thăm tất cả mọi người, và khi biết không ai bị sao cả gương mặt nhợt nhạt của ông bừng sáng. “Tôi buộc phải làm thế để cho mọi người còn hy vọng. Nếu mọi người biết chiếc bình không có nước, chúng ta sẽ suy sụp rất nhanh. Nhưng nếu vẫn tin là còn có nước, thì cơ hội sống sót sẽ nhiều hơn”, thuyền trưởng nhẹ nhàng nói.
Cả đám thủy thủ và nhân viên phục vụ ai nấy đều im lặng xúc động. Người thủy thủ đã mắng vị thuyền trưởng lúc trước nói lời xin lỗi ông: “Cảm ơn thuyền trưởng đã biết cách đánh thức những tàn lực cuối cùng trong mỗi người chúng tôi. Nhờ có ông mà chúng tôi còn sống sót đến giờ”.
Thế đấy, câu chuyện của một kẻ ác, một kẻ bị nguyền rủa thậm tệ đôi khi không phải sự thật. Sự thật là những kẻ chửi mắng ân nhân của mình mà chưa rõ đúng sai...
+++++++++
Bóng phủi lâu nay chẳng khác gì đại dương mênh mông và việc tìm cho mình một Thuyền trưởng đúng nghĩa là không đơn giản. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội tồn tại nhiều khó khăn như hiện nay, bóng đá chuyên nghiệp còn phải "chạy ăn từng mùa" nói đâu đến chuyện bóng phủi?
Ấy thế nhưng bóng phủi Hà Nội nói riêng, phía Bắc nói chung vài năm gần đây lại có Thuyền trưởng sẵn sàng bỏ tiền tỉ cho dân chơi. Thuyền trưởng ấy thậm chí còn bỏ cả công việc, bỏ cả nhà cửa, xem nhẹ cả sức khoẻ của mình để xây dựng một đội ngũ tổ chức giải trong sáng chỉ với mong muốn đau đáu: Sân chơi tốt lên!
Bằng chứng là có rất nhiều giải đấu có tổ chức tốt, có đường lối, phục vụ được đông đảo anh em phong trào mà tính chất của nó luôn là: Chơi không toan tính, đoàn kết, giao lưu kết nối cộng đồng.
Tuy nhiên, nỗ lực "phục vụ thiện hạ" vừa mất tiền, vừa mất của chẳng phải lúc nào cũng được nhận lại niềm vui. Người thấu hiểu thì ít, người bắt lỗi thì nhiều. Mà bắt lỗi thì dễ lắm, cứ "ông nào làm nhiều là ông đó lỗi", bất kể ông to hay ông nhỏ.
Trên sân phủi phía Bắc nói chung, có khá nhiều Thuyền trưởng từng bỏ tiền bạc, tâm huyết và cả một tấm lòng nghĩa khí để xây dựng sân chơi chung cho quê hương. Nhưng cái họ nhận lại thật "khó nuốt". Thậm chí, uất ức.
Nhiều người nghĩ thật đơn giản, tư duy hướng theo lô-gic rất cũ là "chủ nhà, chủ giải thì có quyền và được ưu tiên". Họ quên đi một điều, cái khiến chủ nhà, chủ giải phải cúi đầu chỉ là Lẽ phải và một tinh thần Vì cuộc chơi chung. Họ - những Thuyền trưởng, chắc chắn không đánh đổi uy tín và danh dự của mình để mang về phòng truyền thống CLB một chiếc Cúp mà ở đó, sự ai oán hoặc bất bình gắn chặt trên tay cầm! Họ nghĩ đến thứ lớn hơn, xa hơn và nhân văn hơn, như cách Thuyền trưởng chấp nhận nhịn nhục để giữ lại chiếc bi đông đựng nước trong khoảnh khắc sinh tồn của vài chục con người.
+++++++++++
Ít ngày trước, cộng đồng phủi Hà Nội cùng chia sẻ mất mát với mảnh đời khó khăn của chị lao công bị xe cán. Cộng đồng phủi cũng nghiêng mình đau đớn trước sự ra đi bất ngờ của tiền đạo Hoàng Tồ (Tin Lớn và Anh Em). Mọi người đều sẵn sàng chìa tay ra, sẵn sàng đứng lên kêu gọi với tư cách cá nhân và tập thể để cùng xoa dịu nỗi đau. Đâu đó, đấy là những khoảnh khắc sân phủi lớn lao và thấm đẫm tình người. Nó khiến cộng đồng càng trở nên đẹp đẽ và gắn kết.
Tuy nhiên, có một điều rất khó lý giải, thậm chí không ai lý giải nổi. Rằng: Một số người sẵn sàng làm từ thiện với ngay cả những người không quen, nhưng lại sẵn sàng thủ một viên đá to để ném thẳng vào lực lượng đang ngày đêm xả thân vì cuộc chơi lành mạnh mà chính mình cũng góp mặt trong đó?!
Bóng đá vốn là môn thể thao của xúc cảm, vinh quang dành cho người chiến thắng và buồn tủi thuộc về kẻ bại trận. Đỉnh cao và vực sâu của nó là khoảng cách lớn mà chẳng phải ai cũng đủ bình tĩnh để giữ lại sự tôn nghiêm trong giông bão. Nhưng bóng đá vẫn là cuộc chơi có quy định riêng và những nguyên tắc thuộc về luật lệ thì không thể thay đổi.
Đôi khi, những gì số đông nhìn thấy lại không phải sự thật, mà sự thật lại là những người dũng cảm dám đi ngược số đông thực thi và chấp nhận sỉ vả!
Bảo Thắng