Vietnam's Nguyen Quang Hai (R) scores the goal against Malaysia during the Qatar 2022 World Cup qualifying football match between Vietnam and Malaysia at the My Dinh stadium in Hanoi on October 10, 2019. (Photo by Nhac NGUYEN / AFP)

Dù chỉ là pha lập công duy nhất, nhưng khoảnh khắc xuất thần của Quang Hải chỉ ra một thực tế: ĐT Việt Nam đã vượt qua Malaysia về tư thế, tình thế và cả cơ hội tại bảng G. Thời điểm này, người hâm mộ (NHM) có thể đặt niềm tin lớn hơn vào thầy trò HLV Park Hang Seo.

Thầy Park đã “đọc đúng vị” của đối thủ

Malaysia không phải đối thủ đơn giản, ngay cả khi họ là kẻ chiến bại trong trận cầu tối 10/10. Với tinh thần đáp trả không khoan nhượng, nền tảng thể lực dồi dào và sự quyết tâm chưa bao giờ xuống thấp (nhất là khi đá với ĐT Việt Nam), họ đã biến phần lớn thời gian của hiệp thi đấu thứ nhất thành cuộc chiến thực sự. Tại đó, các cầu thủ của HLV Park Hang Seo đã phải làm việc cật lực dưới sức ép rất lớn. Nếu như cú ném biên của Corbin Ong từ cánh trái được cụ thể hoá thành bàn thắng phút 14, chưa biết thế trận đã diễn ra theo chiều hướng nào.

Tuy nhiên, điều Malaysia không ngờ đến là việc thầy Park đã biết trước họ chơi theo kiểu gì, ai là người nguy hiểm? Cách bố trí hàng thủ 5 người với 3 trung vệ Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh khiến nhiều người nghĩ đến việc chiến lược gia người Hàn Quốc “bổn cũ soạn lại”. Nhưng thực tế, thầy Park đẩy Duy Mạnh và Tiến Dũng ra sát biên hơn. Duy Mạnh chơi ngay sau lưng Trọng Hoàng, Tiến Dũng tiếp ứng sát Văn Hậu. Cách bố trí này đã khiến hai cầu thủ chạy cánh nổi tiếng nhanh – mạnh – tốc độ của Malaysia là Safawi (trái), Sumareh (phải) gặp bất ngờ. Họ không thể ứng biến kiểu gì trước cách bọc lót hai lớp từ biên của ĐT Việt Nam.

Cả trận, hai ngòi nổ này tuyệt đối không tạo ra pha bóng nguy hiểm nào về phía cầu môn Đặng Văn Lâm. Thậm chí, khi đường biên bị bịt kín, Safawi bộc lộ sự hạn chế cực lớn về độ đồng đều hai chân. Người ta thấy cầu thủ này dường như chỉ biết sử dụng mỗi kèo trái. Thường thì Safawi không xuống được cánh liền tìm cách bẻ vào trong và… chuyền hỏng. Cách xử lý tình huống của cầu thủ này khiến thế công của Malaysia bị triệt tiêu, trong khi HLV Tan Cheng Hoe lại… không nhìn ra.

Ở phía đối diện, Sumareh – cầu thủ nhập tịch gốc Gambia cũng rơi vào tình thế tương tự. Văn Hậu (dù không có phong độ cao), nhưng bù lại Tiến Dũng chơi rất tập trung đã khoá được tốc độ của cầu thủ này. Cánh không xuống được, Sumareh cũng tìm cách hoạt động sâu vào phía trong và thường phải đưa ra các quyết định của… chân không thuận. Cho nên, Sumareh cũng chỉ tạo ra các đường chuyền ngang, nhìn thì thoáng nhưng độ sát thương không có. Ở các trận đấu trước, Sumareh được coi là “mũi tên đen” của Malaysia. Bởi khi đó, những pha xuống cánh, rồi thâm nhập bất ngờ vào trung lộ của anh có khoảng trống để thực hiện. Đối thủ chỉ cử 1 hậu vệ theo kèm. Nhưng trận này, khi HLV Park Hang Seo cử Tiến Dũng và Văn Hậu đẩy sát ra biên, thì Sumareh không thể xoay xở trước gọng kìm đầy tính chiến đấu bên phía ĐT Việt Nam.

Tính toán của thầy Park không chỉ đưa Safawi và Sumareh vào “bóng tối” mà còn biến mũi giáp công thứ ba của họ, trung phong lão luyện Talaha trở nên vô hình. Suốt trận, cầu thủ từng là nỗi e ngại của các hàng thủ khu vực chỉ loanh quanh phạm lỗi hoặc tỏ rõ sự bất lực của mình mà chẳng thể làm gì.

Cách bố trí Hùng Dũng chơi cao hơn Tuấn Anh của thầy Park đã đem đến hiệu quả lớn cho tuyến giữa Tuyển Việt Nam

Quyết định chiến thuật quan trọng thứ hai của thầy Park là cách bố trí hai tiền vệ trung tâm. Trước kia, người ta thường nghĩ Tuấn Anh (và các cầu thủ HAGL nói chung) là cầu thủ thiên về tấn công, phòng thủ không tốt. Nhưng ở trận gặp Malaysia, chiến lược gia đã qua tuổi 60 tỏ ra cao tay ấn khi bố trí Tuấn Anh đá tiền vệ mỏ neo, như cách Tuyển Ý sắp xếp Andrea Pirlo. Người hoạt động rộng hơn, có thiên hướng tranh chấp tốt là Hùng Dũng lại được đá cao hơn.

Ở vị trí mỏ neo, Tuấn Anh thể hiện cực tốt vai trò của cầu thủ đánh chặn. Anh có mặt ở các điểm nóng, tranh chấp một cách đầu ốc và khôn ngoan. Nền tảng kỹ thuật tuyệt vời của Tuấn Anh sau đó đã phá vỡ ý đồ pressing khắp mặt sân của Malaysia, khi anh liên tục có những pha thoát quây đẳng cấp cao.

Sự xuất sắc của Tuấn Anh đã mở ra cơ hội cho lối chơi thiên về tấn công biên của các cầu thủ Việt Nam. Vì khi bóng liên tục được triển khai ở biên, thế trận bị ép được chuyển thành phòng ngự chủ động.

Đỗ Hùng Dũng trong một buổi tối sung sức đã trở thành chiếc “mô tơ” hoạt động không ngừng nghỉ. Anh có mặt ở các khe hở, hỗ trợ đồng đội trong cả tấn công lẫn phòng thủ. Chính nhờ cách bố trí phát huy được năng lực của hai tiền vệ trung tâm, ĐT Việt Nam đã tạo được thế chủ động về chiến thuật bất chấp chúng ta không phải là những người kiểm soát bóng nhiều hơn.

Trong các phương án tấn công, HLV Park Hang Seo cũng cho thấy mình có những giải pháp mang lại hiệu quả. Thay vì đan bóng ngắn, bật ban nhỏ như các trận đấu khác, trận này ông chỉ đạo các cầu thủ dùng nhiều đường chuyền trung bình, đôi khi vượt tuyến. Lối triển khai tấn công này cũng góp phần triệt tiêu tư tưởng dùng sức và pressing toàn diện của đối thủ. Bởi, khi rơi vào thế phải đua tốc độ với các cầu thủ Việt Nam, thì chắc chắn Malaysia phải từ bỏ pressing. Họ không đủ lực lượng quây ráp tứ phía như khi ĐT Việt Nam đá ngắn nhỏ, mà phải gồng mình đuổi theo cả bóng lẫn người. Đó chính là sự khác biệt cơ bản để Quế Ngọc Hải tung đường chuyền hiểm hóc để Quang Hải ghi siêu phẩm kết liễu trận đấu.

Thời Park Hang Seo, ĐT Việt Nam đã khác!

Chắc chắn là như vậy. Kết quả trận đấu là minh chứng hùng hồn nhất cho sự đĩnh đạc của ĐT Việt Nam.

Malaysia chơi không tồi, ĐT Việt Nam cũng không ở trong trạng thái tốt nhất. Nhưng vấn đề là ngay cả khi chơi “chưa tốt lắm”, chúng ta cũng biết cách giành được lợi thế bằng bản lĩnh và sự lì lợm. Nó hệt như cách người hâm mộ Việt Nam “nể sợ” ĐT Thái Lan trong quá khứ. Rằng, ngay cả khi họ không hay, chúng ta cũng không thắng được.

Nói như chuyên gia phân tích của tờ Goal, ĐT Việt Nam đang đi theo con đường của một đội bóng lớn, chứ không còn mải mê xây dựng để trở thành một đội bóng mạnh. Vì một đội bóng mạnh vẫn có thể lung lay trước bão tố, nhưng một đội bóng lớn thì kết quả cuối cùng mới là quan trọng, hành trình chỉ là thử thách phải trải qua.

Cái hay của HLV Park Hang Seo là ông truyền được sự tự tin và tâm lý không e ngại cho các tuyển thủ, giúp họ đứng vững trong các thời khắc khó khăn. Điều kỳ diệu của ông thầy người Hàn Quốc là khởi dậy được tinh thần chiến đấu và lửa nhiệt huyết cho các cầu thủ. Trận nào cũng như trận nào, ĐT Việt Nam hơn hai năm qua hễ ra sân là bừng bừng khí thế. Họ thi đấu với đội mạnh và đội yếu bằng sự nghiêm túc và thái độ chuyên nghiệp. Cái đó, chả phải thời nào cũng có, chả phải HLV nào cũng làm được!

Bảo Thắng

Ảnh: Internet