
Thời niên thiếu, khi mới là cậu bé học lớp 4, David Beckham đã bộc lộ ước mơ trở thành cầu thủ của mình. CLB mà anh muốn đến là Manchester Utd. Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình thời điểm đó không cho phép và vì cha anh, ông Ted Beckham muốn con tập luyện ở một CLB gần nhà (London). Khắp vùng Leytonstone lúc đó (nơi Beckham ở) chỉ có mỗi Tottenham Hostpur là đáp ứng được các điều kiện đạo tạo cầu thủ trẻ danh tiếng. Beckham được cha đưa đến đó và anh ở lại đây trong gần 4 năm, từ 1987-1991.

Ở Tottenham, mọi thứ đều thuận lợi với Beckham, nhưng giấc mơ khoác áo Man Utd vẫn thôi thúc cậu bé tóc vàng trong cả những giấc ngủ. Cuối năm 1991, Beckham thuyết phục được cha anh đưa mình đến Man Utd thử chân. Khi ấy, anh mới 14 tuổi. Beckham được các nhà tuyển trạch bố trí vào lớp U15 và ngay lập tức, Beckham đã thuyết phục được họ giữ anh lại như một trong những cầu thủ có tiềm năng phát triển. Hôm chính thức ký hợp đồng đào tạo với Man Utd, Beckham đã không ngủ. Anh được chụp ảnh với HLV Alex Ferguson trong đường hầm.
Trong cuốn tự truyện My Side, Beckham bộc bạch: “Đó là giây phút hạnh phúc nhất của tôi khi tôi biết mình có cơ hội thi đấu cho Man Utd và được dẫn dắt bởi Sir Alex”. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị mùa giải năm 1993, Beckham đã không được đôn lên đội 1 như các đồng đội Ryan Giggs, Paul Scholes, Nicky Butt và Gary Neville. Anh được đưa sang Preston Nort End để tích luỹ kinh nghiệm.
Đó là một cú sốc với David Beckham khi giấc mơ và sự khát khao bị đánh sập. Đích thân Sir Alex gạch tên Beckham cho hành trình của Man Utd năm đó. Ông nhấn mạnh, mình cần những cầu thủ tốt nhất, và những cầu thủ đó không có cái tên nào là David Beckham!Chàng trai trẻ miễn cưỡng sang Preston Nort End với tư thế của “người đến từ Man Utd”. Anh nghĩ rằng, mình sẽ chiếm một suất chính thức không phải bàn cãi.
Nhưng không, tại CLB hạng Nhất này, Beckham vẫn không phải lựa chọn số 1. Anh chỉ đăng ký giai đoạn lượt về, được ra sân 5 trận, ghi 2 bàn và… hết. Trở lại Man Utd năm 1994, Beckham được chào đón khiêm tốn, trong khi hàng chục con mắt giám sát của các tuyển trạch viên nhìn vào thành công của Giggs, Scholes, Gary Neville để so sánh. Sir Alex lúc đó cũng rất bình thản với các cầu thủ trẻ dù ông đang muốn thực hiện một cuộc thay máu mạnh mẽ.
Tại buổi họp đội đầu tiên chuẩn bị cho mùa giải 1994/1995, Man Utd lúc đó có đến 42 cầu thủ, trong khi danh sách đăng ký chỉ là 24 người. Sir Alex chỉ ngắn gọn một câu: “Nào các chàng trai, chúng ta cần tập trung cho mùa giải mới từ bây giờ. Tôi cần nhìn thấy sự cạnh tranh của những “cầu thủ hàng đầu”!
Lúc đó, Beckham hiểu rằng, nếu anh vẫn giữ tâm thế “hơi kiêu ngạo” và cách tập luyện như hiện tại, anh có thể sẽ phải chuyển đi một lần nữa, mà Sir Alex chưa bao giờ dùng lại một cầu thủ hai lần không thể hiện được bản thân.
Đêm đó, Beckham lại không ngủ. Anh không hạnh phúc như lần được chụp hình cùng Sir Alex, mà trằn trọc tự lên kế hoạch cho bản thân. Anh không muốn giấc mơ khoác áo đội 1 Man Utd vẫn mãi chỉ là giấc mơ.
Beckham hiểu rằng, trên hàng công Man Utd đã quá chật chội và để lọt vào đội hình ấy là cả một thách thức. Anh không thể một lúc đánh bại các công thần như Eric Cantona, David May, Mc Clair, Mark Hughes, Paul Ince, Andrei Kanchelskis, Andy Cole, Lee Sharp trong khi các cầu thủ cùng trang lứa như Paul Scholes, Giggs, Butt, Neville đều hơn anh vì đã có những đóng góp từ mùa giải trước.
Từ hôm đó, Beckham nghiến răng tập luyện điên cuồng. Anh luôn là người dẫn đầu các bài tập thể lực, và đặc biệt, Beckham luôn là người đến sân sớm nhất và ra về muộn hơn các đồng đội 2 giờ đồng hồ để tập thêm.
Nỗ lực của Beckham đã lay động đến Sir Alex. Cộng thêm một chút may mắn, anh đã lọt vào danh sách đăng ký của Man Utd mùa giải 94/95 và ở lại CLB cả mùa. Cũng từ lần thay đổi bản thân mang tính lịch sử đó, Beckham trở thành hiện tượng, rồi biểu tượng của Man Utd. Điều quan trọng là thói quen ở lại sân 2 giờ đồng hồ rèn luyện được Beckham duy trì cho đến khi anh giải nghệ. Beckham tập cho mình những cú tạt bóng ở mọi điểm, mọi góc độ với sự chính xác hoàn hảo. Anh cũng rèn cho mình một cơ thể mạnh mẽ để chống chọi chấn thương.
Suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, Beckham được biết đến như một trong những tiền vệ biên tạt bóng, đá phạt xuất sắc nhất thế giới. Trong một chương trình thực tế khi đặt chân đến Mỹ (thi đấu cho Los Angeles Galaxy), Beckham chia sẻ về sự thành công trong sự nghiệp của anh: “Tôi đã từng không mạnh mẽ và ỷ lại. Nhưng may mắn là tôi chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ. Tôi tự hào vì mình đã hành động quyết liệt, hành động đến cùng vì giấc mơ đó. Nếu tôi chỉ tập luyện như những người khác, tôi chắc chắn không bằng họ và tôi sẽ bị đào thải. Tôi đã tập gấp nhiều lần họ và dành thời gian cho sân bóng. Đấy là bí quyết thành công duy nhất”.
Một câu nói ngắn gọn, đúc kết kinh nghiệm bản thân của Beckham hy vọng sẽ mang lại điều gì đó cho những cầu thủ đang chập chững khởi nghiệp hoặc muốn vươn đến đỉnh cao!
Bảo Thắng