Hành trình 16 tháng đẹp như mơ của thầy Park cùng ĐT Việt Nam đã thổi luồng sinh khí mới vào niềm tin cho giới mộ điệu. Ngoài danh hiệu vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2018), chúng ta đang là đội bóng có sự thăng tiến mạnh mẽ nhất ở châu lục. Vài ngày trước, thầy Park khẳng định “Việt Nam đang là số 1 Đông Nam Á hiện nay”. Tuy nhiên, chừng đó cũng chưa thể đảm bảo chúng ta đã tiếp cận đến trình độ World Cup…

ĐT Việt Nam đã ở một đẳng cấp hơn trước nhiều lần…

Đó là sự thật. ĐT Việt Nam hiện nay không còn “may rủi và phập phù” như trong quá khứ. Dưới bàn tay thầy Park, đội bóng áo Đỏ dễ dàng vượt qua những đối thủ yếu, biết cách thắng những trận cầu phải thắng và chơi ngang ngửa với các tên tuổi cực mạnh.

Ở Asian Cup vừa rồi, thầy Park cũng đưa ĐT Việt Nam trải qua những giai đoạn thăng hoa khó tin. Điều khiến người hâm mộ yên tâm là các cầu thủ luôn vào sân với tinh thần máu lửa, thi đấu ở trình độ cao và hiếm khi bị rối loạn vì áp lực. Đây chính là tiến bộ vượt bậc mà gần như chưa triều đại HLV nào làm được khi nắm ĐT Việt Nam.

Trước trận tứ kết với Nhật Bản, báo chí châu Á thậm chí đã đánh giá cơ hội của ĐT Việt Nam ngang hàng với đội bóng đến từ xứ sở Mặt trời mọc, bất chấp cả đội bóng của thầy Park chỉ có giá trị bằng… nửa trung vệ Maya Yoshida – người đang chơi cho Southampton ở Ngoại hạng Anh.

Và quả thực, trận đấu diễn ra không có quá nhiều chênh lệch. Nhật Bản lấn lướt ở hiệp 1, nhưng cũng “chạy bở hơi tai” trong khoảng gần 20 phút cuối để chống đỡ sức ép từ phía ĐT Việt Nam. Nếu không có tình huống 11m thành bàn, chưa chắc đội bóng có mặt thường xuyên ở World Cup đã vượt qua các học trò của thầy Park trên chấm penalty.

Tại sân chơi Đông Nam Á, ĐT Việt Nam vượt lên trên các đội bóng còn lại ở mức vững chắc. Trong gần 2 năm cầm quân, thầy Park biến các đội tuyển mình điều hành thắng 11/13 đối thủ trong khu vực. Từ Australia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia cho đến Myanmar, Philippines và các đội bóng nhỏ (Lào, Campuchia, Brunei), kết quả tốt nhất mà họ có được trước ĐT Việt Nam là một trận hoà. Còn lại là thua hoặc thua đậm. Hai đội bóng chưa “nếm mùi thầy Park” thời gian qua là Đông Timor và Singapore. Tuy nhiên, họ cũng không phải là rào cản quá lớn khiến chúng ta lo ngại.

Ngoài năng lực của thầy Park, ĐT Việt Nam hiện nay có những bước tiến vượt bậc một phần là chúng ta sở hữu lứa cầu thủ tài năng hiếm có. Sự trưởng thành theo thời gian của họ được cộng hưởng bởi “mưu lược” của HLV người Hàn thực sự trở thành điều kiện Cần và Đủ giúp ĐT Việt Nam thăng hoa.

Cho đến thời điểm này, câu hỏi “chúng ta ở vị trí nào tại Đông Nam Á” dường như đã được giải quyết. Vấn đề là ĐT Việt Nam sẽ duy trì vị thế này trong bao lâu, hay chúng ta cũng chỉ tạm thời đứng đỉnh khi các đội bóng mạnh trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar đang có dấu hiệu chững lại?

…nhưng World Cup là câu chuyện rất khác!

ĐT Việt Nam thể hiện sự tiến bộ “ai cũng nhìn thấy được”. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta đã tiệm cận các đội bóng hàng đầu châu lục và đủ sức tranh giành vé dự World Cup. Bởi thực tế, không ai dám chắc “chúng ta sẽ đứng đâu” nếu lọt được vào vòng loại cuối cùng khu vực châu Á. Vì tại đó, thường trực là các tên tuổi như Iran, Iraq, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Uzbekistan, Qatar, UAE, Trung Quốc và cả Australia. Bốn suất trực tiếp dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh không đơn giản để chen chân vào.

Bởi, so với các tên tuổi nói trên, ĐT Việt Nam vẫn chỉ được coi là “Ngựa ô”, chứ chưa được liệt vào danh sách ƯCV đủ năng lực giành vé. Cho nên, mục tiêu gần nhất của ĐT Việt Nam là một tấm vé vớt. Tuy vậy, để cụ thể hoá chiếc vé vớt từ cơ hội thành hiện thực cũng là cả thách thức cực lớn khi đối thủ chiếc vé vớt ấy là… một đại biểu đến từ khu vực Nam Mỹ.

World Cup là sân chơi “định giá” sự phát triển toàn diện của một quốc gia, trong đó, hệ thống giải vô địch quốc nội, cơ sở vật chất cho đến công tác đào tạo trẻ luôn được nhắc đến. Chỉ riêng những yếu tố cơ bản ấy thôi, chúng ta cũng đã cảm nhận được rằng: Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu!

Người hâm mộ yêu mến đội tuyển là tốt. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận đúng thực tế chứ không nên “vì giấc mơ” mà đòi hỏi quá cao. Khi ấy, áp lực trên vai thầy Park và các học trò là vô cùng lớn.

Bóng đá tuy là cuộc chơi không thể nói trước điều gì. Một đội bóng thiếu nhiều thứ vẫn có thể tạo nên kỳ tích. Một đội bóng đầy đủ mọi điều kiện cũng vẫn thất bại như thường. Tuy nhiên, đó là điều không thường xuyên xảy ra. Môn thể thao Vua vẫn có những nguyên tắc bất di bất dịch mà nền tảng là yếu tố vô cùng quan trọng. ĐT Việt Nam hiện nay chỉ tốt ở phần ngọn.

Chúng ta “vô tình” được sở hữu thuyền trưởng tốt (từ nỗ lực của bầu Đức) và một thế hệ cầu thủ tài năng. Còn lại, cả nền bóng đá chưa có gì gọi là căn cơ!

Cơ sở vật chất thiếu đồng bộ. Năng lực của các vị lãnh đạo VFF chưa bao giờ được đánh giá cao. Những thành công của ĐT Việt Nam gần hai năm qua dường như không ai nhìn thấy đóng góp đáng kể nào từ VFF. Tất cả đều mờ nhạt trong bức tranh tổng thể. Sự rực rỡ chỉ là dấu ấn thầy Park và khoảnh khắc toả sáng của các cầu thủ trong từng thời điểm.

Giải vô địch quốc gia (V.League) – chân đế của cả nền bóng đá vẫn phải hối hả đi tìm tài trợ cho đến sát giờ bóng lăn mới có. Sự đầu tư (để nâng giải đấu này lên) thì người hâm mộ chỉ được nghe các “quan” phát biểu nhưng chưa thấy ai làm.

Một ví dụ điển hình nhất là nhu cầu cấp bách sử dụng công nghệ VAR của V.League. Các trận đấu liên tục có sai sót, trọng tài là vấn đề nổi cộm nhưng đích thân chủ tịch VPF (đơn vị tổ chức thi đấu độc lập với VFF) Trần Anh Tú cho biết là VAR sẽ được sử dụng ở giai đoạn 2 nhưng theo phương án… con nhà nghèo. Mỗi tổ VAR chỉ gồm 1 kỹ thuật viên tổng hợp từ camera đơn lẻ và 1 trọng tài “thông minh nhanh nhẹn”. Nó khác với tổ VAR thế giới vẫn dùng gồm 48 camera và tổ kỹ thuật bao gồm trọng tài chuyên môn riêng. Suy cho cùng, VAR ở V.League sẽ chỉ hỗ trợ được các trọng tài trong chừng mực… tranh cãi ít. Còn nếu tranh cãi nhiều, sân cỏ vẫn cần sức người có mặt ở sân để viết báo cáo như cách các Giám sát trận đấu đang làm.

Bên cạnh trách nhiệm nâng tầm giải vô địch quốc gia, bóng đá Việt Nam cần nhiều thế hệ cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường để tạo nền tảng bền vững. Điều này, ngoài việc phát hiện và chăm sóc nhân tài ra, chúng ta không có lựa chọn thứ hai.

Cách đây hơn một tháng, chính thầy Park – trong một cuộc phỏng vấn của AFC – đã thẳng thắn bày tỏ: “Việt Nam cần bắt tay vào công tác đào tạo ngay từ bây giờ nếu muốn đến World Cup”. Điều đó chứng tỏ, chiến lược gia người Hàn đã nhìn thấy lỗ hổng lớn của bóng đá Việt Nam, cụ thể là vai trò định hướng của VFF.

Minh chứng rõ nhất là những cầu thủ tài năng của ĐT Việt Nam hiện tại xuất phát từ nỗ lực tự thân vận động, tự bỏ tiền túi làm đào tạo của các ông bầu đam mê bóng đá như Bầu Đức (HAGL), Bầu Hiển (Hà Nội), tỷ phú Phạm Nhật Vượng (VPF). Quang Hải, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Văn Hậu, Đức Huy của Hà Nội, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy, Văn Thanh của HAGL, Hà Đức Chinh của VPF, Bùi Tiến Dũng của Viettel, Quế Ngọc Hải, Phan Văn Đức của SLNA. Tuyệt nhiên không có dấu ấn nào của VFF. Từ vai trò chỉ đạo dẫn dắt cho đến hỗ trợ kinh phí các trung tâm đều phải tự lo. VFF chỉ để lại dấu ấn trong các… lễ mừng công của ĐT Việt Nam.

Nói thế để thấy, chặng đường tiến đến World Cup của bóng đá Việt Nam nói chung không đơn giản như giấc mơ. Nó cần sự chung tay của rất nhiều tổ chức khác nhau, cần sự phát triển đồng loạt nhiều mảng, nhiều ngành. Nhưng quan trọng nhất, sứ mệnh ấy cần cái Tâm và cái Tầm của VFF chứ không phải đơn giản là trông mong vào những “phép màu” của thầy Park.

Bảo Thắng (Bài đã đăng trên Báo Tuổi trẻ & Đời sống số ra ngày Thứ Hai 15/4/2019)