Nguyễn Thế Anh sinh ngày 22/07/1949, là anh của Cao Cường, có gần 20 năm cống hiến cho bóng đá, 08 lần vô địch các giải đấu trong nước cùng với Thể Công, từng thi đấu quốc tế ở Trung Quốc, Cuba, Liên Xô, CHDC Đức (cũ) và gây ấn tượng bởi tốc độ bứt phá nhanh và đôi chân hết sức khéo léo khiến cho đối thủ nhiều lần thán phục. Trong trận cuối cùng của sự nghiệp tại SKDA năm 1984, Thế Anh đã ghi bàn thắng để đời 3-1 vào lưới Quân đội Đức với pha trình diễn solo rất đẹp.

“Ông này mà là Ba Đẻn? Xin bố, chạy yếu rều, thở không xong còn vào sân đá nỗi gì, có mỗi chân vòng kiềng là giống Ba Đẻn thôi”. Câu bình luận của một CĐV bóng đá Hải Phòng bên ngoài sân Cảng trong trận đấu giữa cựu tuyển thủ Quân đội và cựu tuyển thủ thành phố Hồ Chí Minh, khiến không ít người phải bật cười.

“Bé? Loại!”

Nhìn ông lão 60 tuổi, đầu hói sọi, bụng nhu nhú dưới chiếc áo trắng, đi đôi giày đỏ – da cam Thasoco kiểu sân 7, chẳng ai dám khẳng định, đúng hay sai. Chỉ có cặp chân vòng kiềng cùng cái bắt tay đầy vẻ trân trọng của các đàn em trong đội bóng cựu tuyển thủ Quân đội, khi ông rời sân đấu, sau 23 phút có mặt trên sân, chứng minh sự thật: mọi người đang được nhìn bằng xương, bằng thịt huyền thoại của bóng đá Việt Nam – thượng tá Nguyễn Thế Anh, tả biên lừng danh hai thế hệ 1960-1970 của Thể Công và đội tuyển Việt Nam (ĐTVN), biệt danh “Ba Đẻn” hay “người không phổi”.

“Chẳng bao giờ mình nghĩ là sẽ không được chơi bóng tử tế, chỉ vì bé và thấp người”, Ba Đẻn gật gù, kể bằng cái giọng tếu táo. “Hồi đó (1966), mình cứ nhất quyết xin bố (cựu danh thủ Nguyễn Văn Thìn A) cho đi học đá bóng, dù ông cụ không muốn con cái chơi bóng, vì sợ cũng như trái bóng cứ lăn ngang, lăn dọc. Nhưng mà kỳ kèo mãi rồi thì cụ cũng phải đồng ý. Sang đến Từ Sơn, vào thi tuyển, cái ông ngồi bàn liếc mình một cái, chẳng hỏi chẳng rằng, phán ngay một câu: Bé? Loại. Thế là lủi thủi đi ra”.

Câu chuyện chắc không đơn giản chỉ có vậy, như cách Ba Đẻn thuật lại với cái giọng tưng tửng. Chỉ biết rằng, nếu trẻ đi vài chục năm, Ba Đẻn hôm nay và ngày đó cũng không khác nhau lắm: nước da đen nhẻm, cặp chân vòng kiềng, có chăng là cặp mắt tươi sáng đã mờ mờ đôi chút bởi thời gian và…rượu. Đó không phải lần đầu tiên, Thế Anh, người mà sau này sẽ được người hâm mộ bóng đá Việt Nam trìu mến gọi bằng cái tên Ba Đẻn, bị loại khỏi một cuộc thi tuyển cầu thủ bóng đá trẻ. Lần thứ hai là với…Thể Công. Khi đó, Thể Công chuẩn bị tuyển chọn một lứa cầu thủ trẻ, đưa đi đào tạo tại CHDCND Triều Tiên. Biết tin, Thế Anh lại tìm đến thi tuyển. Tiếp tục, loại.

“Không có “cụ” Quýnh (cựu Trưởng đoàn Thể Công Ngô Xuân Quýnh) thì chắc là mình sẽ trở thành một anh công nhân xe lửa”, Ba Đẻn cứ đều đều kể lại quãng thời gian đầu nghiệp sân cỏ của mình. “Ông chơi với ông cụ nhà mình, vì đều là bạn sân cỏ với nhau, nên cam đoan với đội bóng rằng “con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”, ít nhiều nó cũng có cái gien di truyền chơi bóng của ông bố, đảm bảo tôi không nhìn lầm người”.

Vậy là, hai năm tu luyện tại CHDCND Triều Tiên và Hungary đã cho ra “lò” một lứa cầu thủ để đời cho bóng đá Việt Nam và Thể Công sau này, trong đó có cậu bé Nguyễn Thế Anh đen nhẻm ngày nào. Tập luyện theo chế độ VĐV, ăn uống kiểu người Tây, Thế Anh cũng chỉ cao 1m65, cân nặng làng nhàng 50 kg. Điểm yếu thể hình ấy không cản trở ông trở thành huyền thoại bóng đá Việt Nam và Thể Công.

“Mình nhanh, sợ gì mấy anh Tây!”

Thế hệ người hâm mộ bóng đá lứa tuổi 40 – 60 không ai không biết mặt, đặt danh Ba Đẻn, “cơn lốc” bên cánh trái của Thể Công với những pha dốc biên, lắt léo, khiến hậu vệ đối phương hụt hơi. Bóng đi sát đường biên ngang, lật vào bằng chân trái hay ngoặt ngược trở lại, tạt tầm thấp bằng chân phải, Ba Đẻn đều có thể làm “dễ như trở bàn tay”.

Đã có thời, cách chơi của Ba Đẻn được HLV các đội bóng đưa vào các cuộc họp hay bài giảng chiến thuật để nghiên cứu, tìm cách đối phó riêng, hoặc làm hình mẫu cho các cầu thủ trẻ học tập: gắp bóng qua đầu, “xỏ lỗ kim”, tâng bóng hai chân vừa chạy vừa sút, thoát biên ngoặt ngược làm “trôi” đối thủ, sang “chân chống” tạt cánh chuyền bóng hay tự dứt điểm thành bàn. Ba Đẻn là nỗi kinh hoàng bên hành lang trái cho bất kỳ hậu vệ nào. Khi đó, nói tới Ba Đẻn là nhắc đến Thể Công, dẫu bên cạnh ông cũng có những người xuất sắc không kém: Khánh, Giáp, Mỵ, Thêu…

Người ta trầm trồ thán phục ông bởi trước tiên là vì…thể hình. Nhỏ bé hơn đối thủ, nhưng tốc độ mới chính là vũ khí giúp ông thường qua mặt đối phương. “Mình nhanh, sợ gì mấy anh Tây”, ông nói như đúc kết cho lứa hậu duệ chơi bóng hôm nay. “Mình biết mình bé hơn họ. Điều đó đúng thôi, bởi làm gì có bơ, sữa, thịt để ăn như bây giờ; lúc đó, chỉ có rau, ăn cơm cũng còn phải độn mà. Vấn đề là lúc mình trẻ, sức khỏe có tự nhiên, mình rèn luyện kỹ hơn, nâng khối lượng đòi hỏi cho ngưỡng chịu đựng của mình cao hơn, tích lũy dần dần thì mình sẽ có được điều mong muốn. Tốc độ tất nhiên là có thiên phú, nhưng nếu không rèn luyện thì sẽ mai một”.

Đội hình Thể Công 1965 – nơi tên tuổi Ba Đẻn luôn là Quái kiệt

“Bọn mình khi đó toàn phải buộc thêm bao cát, bao chì quanh bắp chân, bắp đùi để tập chạy, nhảy. Hết giờ, vẫn ở lại, tìm chỗ riêng luyện thêm, riêng cái khoản sức bền, mình không bao giờ bỏ, chẳng thua mấy tay điền kinh cự ly trung bình. Tập không rồi tập với bóng. Đá bóng vào tường bằng mu, đầu tiên nhìn bóng, rồi về sau thành thói quen có phản xạ rồi thì không cần nhìn. Rồi đến tập lật cánh có điểm rơi, đặt viên gạch rồi câu bóng vào khoảng đó, cho đến khi nào 10 quả ăn 9 mới thôi. Cao Cường có cách tập của trung phong riêng, mình chơi biên thì phải tập cách khác. Tập chạy zíc zắc, đảo người, đảo chân, cứ tập thật nhiều sẽ thành phản xạ, ngón nào hiểm thì luyện riêng, chế thành “chiêu” quyết định”.

Chưa từng nghỉ vì chấn thương

Có lẽ vì vậy, 20 năm thi đấu đỉnh cao, ông luôn tránh được những pha ra đòn của đối phương, không một lần phải nghỉ thi đấu vì chấn thương. Đã ra sân, Ba Đẻn chỉ có chạy! Những bước chạy trên đôi chân vòng kiềng ngắn ngủn, đi kèm với những cái đảo chân nhanh đến hoa mắt, Ba Đẻn khiến đối phương hụt hơi không chỉ ở những cú bắt tốc độ cự ly ngắn, mà còn trên những quãng 30m đua ở khoảng giữa sân.

Có lẽ vì chế độ tập luyện đặc biệt ấy, mỗi ngày “nuốt” trung bình 4.000m, Ba Đẻn và các đồng đội của ông có độ bền phong độ lâu đến thế, ghi vào lịch sử bóng đá những trận cầu không thể quên: Thể Công thắng tuyển Cuba 3-2 (ngày 02/09/1970), tuyển Việt Nam hòa tuyển Cuba 2-2, hay chuyến du đấu Trung Quốc năm 1974 với thành tích 08 thắng, 02 hòa, 01 thua, trong đó có trận thắng ĐT Trung Quốc ngay tại sân Bắc Kinh với tỷ số 4-1…

Rời sân cỏ, bước qua nghiệp huấn luyện, không thành công như lúc làm cầu thủ, Ba Đẻn nghiệm cho mình “không có số làm tướng, chỉ làm quân”, bởi cách chơi bóng cũng như cá tính của ông quá “đặc biệt”. Cũng có thời, người ta thấy ông lăn lộn với đám trẻ chơi bóng đá, nhưng rồi một thời gian lại thấy biệt tăm. Ông bảo: “Mình chơi biên, cứ ngoi lên rồi lại đảo về, thành vận ứng vào cuộc sống. Giờ già rồi, nghỉ ngơi, chữa bệnh gout nên không thể ngoi lên ngụp xuống được nữa. Thi thoảng có những giải đấu như Cúp các lão tướng, tham gia một chút cho đỡ nhớ anh em, còn lại mình xin kiếu!”.

Có lẽ, đó cũng là “quái chiêu” mà ông chọn để giữ chỗ đứng của mình trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam?

“Con sóc nhỏ” Ba Đẻn

“Con sóc nhỏ” Ba Đẻn tên thật là Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1949, con thứ ba của cựu danh thủ Thìn A, nổi tiếng thời Nội Châu, tuyển Bắc Kỳ rồi CAHN và tuyển Việt Nam DCCH khi đã tứ tuần; là anh của Cao Cường (Thể Công), Cao Vinh (Đường Sắt) và Cao Hiển.

Khi còn nhỏ ông tên là Công, nhưng chẳng may người anh cả (Hùng) mất sớm nên bố mẹ đổi là Thế Anh (hàm ý thay thế người anh). Biệt hiệu “Ba Đẻn” là do da đen, mẹ thường gọi thân mật là thằng “đen”, bạn bè gọi chệch đi cho có vẻ bụi một chút thành Ba Đẻn, lâu dần thành quen.

Còn “Con sóc nhỏ châu Á” là các bạn Cuba tặng cho Ba Đẻn, sau khi ông trình diễn những cú “giật tốc độ” vặn sườn những hậu vệ to cao của đội tuyển bạn để đối mặt rồi hạ thủ môn nổi tiếng Renoxo trong trận đấu tại thủ đô La Habana năm 1971.

Tầm vóc bé nhỏ, thân hình loắt choắt, cặp chân vòng kiềng, 16 tuổi nhưng Ba Đẻn chỉ cao 1m58, nặng 45kg (lúc phát triển nhất cũng chỉ cao 1m65, nặng 53kg), trông có vẻ dị dạng nên lãnh đội Thiếu niên Hà Nội không muốn nhận.

Tuy nhiên, Ba Đẻn đã lọt vào mắt các nhà tuyển chọn Thể Công vào đầu năm 1966 cùng lớp với Giáp, Phú, Chi (cố)… Sau 04 năm rèn luyện (có 01 năm ở Triều Tiên và 04 tháng ở Hungary), Ba Đẻn trở thành một góc trái đặc biệt, khó tìm người so sánh.

Sự sắc sảo của Ba Đẻn thật đa dạng:

– Thứ nhất là tốc độ: 30m: 3’’8/10; 100m: 11’’2/10. Nhưng sức nhanh đoạn ngắn còn được tôn lên thành đột biến nhờ “cách khắc phục quán tính”, nghĩa là đang chạy tốc lực, ông phanh lại rất gọn, và đối phương vừa dừng lại thì ông lại bật vọt đi mất. Cứ thế lặp đi, lặp lại, hết ngoặt sang trái, lại đảo sang phải, hậu vệ càng to cao, xoay trở theo càng mệt, rất dễ bị ông bỏ lại sau. Đúng là nhanh như sóc!

– Thứ hai, bé người nhưng không ngại về sức mạnh. Rắn chắc, dám va chạm khi cần (dĩ nhiên bé thì không dại va chạm với các “chàng khổng lồ”). Sức bền vào loại siêu: chạy 3.000m luôn dưới 10 phút; 05 lần 30m hết 19’’5. Nền thể lực này đủ chơi với bất cứ đối tượng nào.

– Thứ ba, sự khôn ngoan sân cỏ: Nhiệt tình, xông xáo, năng động, di chuyển nhiều, nhưng mỗi hành động đều mang ý thức lôi kéo, gây lạc hướng đối thủ bằng nhiều động tác giả khôn khéo. Không ít lần ông phải tránh đòn của những đối thủ vũ phu với cái đầu nóng bất chấp luật lệ, nhưng chưa ai có thể đá ông đau, dù chỉ một lần mà chỉ thấy nhiều lần ông cho các đối thủ thiếu kinh nghiệm vào xiếc!

– Thứ tư, ghi bàn nhiều và đa dạng. Hai chân tương đối đều nhau, đang chạy nhanh, sút! Có bàn thắng ở góc không rộng lắm và xa đến 30m, nhưng lại có bàn thắng mặt đối mặt rồi đánh lừa thủ môn, sửa nhẹ vào góc cầu môn. Ba Đẻn đã từng đá phạt góc bóng đi thẳng vào cầu môn (trận gặp đội Không quân CHDCND Triều Tiên); hay đá phạt trực tiếp từ khoảng 25m, bóng đi vượt hàng rào, qua tay thủ môn Trần Văn Thành; đá phạt đền theo kiểu “quẹt chân vịt” (làm thủ môn Trường Sinh bị lừa, chỉ đứng nhìn bóng lăn từ từ vào lưới).

Tuy nhiên, Ba Đẻn khoái nhất là ghi bàn bằng những “cú chẹt” trong tư thế khó. Giữa chỗ đông người, có cả rừng chân cản trở, nhờ sức bật nhẹ nhàng và cách búng chân khéo léo, quả bóng như có mắt, biết lách qua khe hở nhỏ nhất mà bay vào lưới (hậu vệ Vathana của Lào có lần chịu thua kiểu ấy đã chạy đến bắt tay khen); hoặc có khi ông bay cả người ở tầm thấp là là mặt đất, dùng đầu hất bóng vào lưới. Trông có vẻ nguy hiểm, nhưng do quá nhanh và bất ngờ nên khi đối phương phản ứng thì việc đã rồi (trận gặp CSKA Liên Xô).

Trong màu áo Thể Công, ở những giây cuối cùng của trận đấu từ giữa cuộc đời cầu thủ (trận gặp đội Quân đội CHDC Đức trong giải SKDA, 1984), Ba Đẻn dắt bóng đến cách khung thành đối phương 20m, chếch khoảng 45 độ, vẩy má ngoài một quả vòng cung sở trường khá mạnh và chuẩn xác, bóng bay vào góc cao phía sau thủ môn, nâng tỷ số lên 3-1 cho đội nhà, cùng lúc trọng tài thổi còi mãn cuộc. Một bàn thắng đẹp để kết thúc một quãng đời 20 năm sân cỏ thật đẹp của danh thủ Ba Đẻn.

Sau khi ông nghỉ đá, nhiều khán giả quý ông mỗi lần xem thấy những pha bóng đang diễn biến tốt bị bỏ phí thường tặc lưỡi: “Giá mà vào chân Ba Đẻn nhỉ!” Còn gì sung sướng hơn đối với một cầu thủ khi để lại được trong lòng công chúng sự tin yêu như vậy!

Đó là huyền thoại Thể Công, Ba Đẻn

Trong cuốn “Ba cuộc đời một trái bóng”, nhà thơ Anh Ngọc từng giải thích rất kỹ về biệt danh “Ba Đẻn” của cựu danh thủ Thể Công và Đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Thế Anh như thế này:
“Khác với các cầu thủ khác, cái tên Ba Đẻn có từ rất sớm, từ lúc Thế Anh còn bé, nghĩa là từ khi cậu bắt đầu quen thuộc trong đám trẻ đá bóng ngoài phố, cùng cỡ tuổi lên mười, mười một gì đó. Tiếng tăm đã đến với Thế Anh ngay từ lúc ấy và cậu bé đã mang nó vào những sân bãi chính quy một cách thoải mái, tự tin.

Trước hết tại sao lại là “Ba”? Thế Anh sinh năm 1949, bố anh, bác Thìn (tức Thìn A) vốn là cầu thủ có tiếng trước đây. Bác cũng có mặt trong đội tuyển miền Bắc sang Campuchia thi đấu hữu nghị (1957) với chân tiền vệ và tấm áo số 5. Trên Thế Anh còn hai anh, do đó thứ bậc của Anh là ba.

Lúc bé, Anh mang tên là Công nhưng người anh cả (Hùng), người thường bế ẵm Anh khi còn nhỏ, đã không may mất sớm năm lên 13 tuổi. Và do đó, cậu bé Công được gia đình coi như một sự “thế anh” và mang luôn cái tên này.

Còn “Đẻn”? Câu trả lời có thể tìm thấy ngay trên nước da ngăm đen của Thế Anh. Mọi giả thiết khác đều không có căn cứ. Chính mẹ anh vẫn thường gọi yêu con là thằng “đen”. Và cách gọi chệch đi theo biến âm của tiếng Việt khiến biệt danh này càng có cái gì vừa ngang tàng vừa nghịch ngợm, pha chút “bụi”…”

Một giả thiết thú vị

Nhà báo Nguyễn Lưu có lần chia sẻ với tôi rằng, riêng quan điểm ông không đồng tình chữ “Đẻn” trong biệt danh “Ba Đẻn” của Thế Anh hàm ý chỉ màu da ngăm đen. Ông nói, ông có nhiều năm qua lại với gia đình bác Thìn A, cả nhà bác ấy từ bác Thìn A đến cậu Hùng, cậu Thế Anh, cậu Cao Cường đều có nước da trắng. Thế Anh có sạm đen một chút thì vẫn là nước da một đứa trẻ thành phố, so với trẻ nông thôn còn trắng gấp vạn. Vì thế chữ “Đẻn” mang tầng nghĩa khác.

Thế giới túc cầu có nhiều cách đặt biệt danh. Khi thì biệt danh gắn liền với vóc dáng hình thể, tính nết đặc thù của một con người ngoài đời. Ví như “gã mặt sẹo” Ribery, “gã thư sinh” Iniesta, “sếu vườn” Peter Crouch, “kẻ hờn dỗi” Anelka, “cậu bé hư” Balotelli…

Khi thì gắn liền với một phong danh, cấp vị. Ví như “Vua bóng đá” Pele, “Thánh” Diego Maradona, “Hoàng đế” Beckenbauer, “Hoàng tử” Platini, “King Eric” (Eric Cantona), “Hoàng tử thành Rome” Totti…

Cũng có khi đặt theo lối truyền nhân của một huyền thoại. Ví như Messi là “tiểu Maradona”, Nani là “tiểu Ronaldo”…Và đặc biệt phổ biến là đặt biệt danh dựa trên lối chơi bóng có một điểm gì đó mang đặc tính của vạn vật, con vật. Ví như Roberto Carlos là “tàu siêu tốc”, Makelele là “máy quét”, Samuel là “hòn đá tảng”; Lev Yaxin là “con nhện đen”; Drogba là “voi rừng”; Eto’o là “sư tử bất trị”; Pato là “chú vịt”… Và “Ba Đẻn” nằm trong lối đặt biệt danh kiểu này.

Theo trí nhớ của nhà báo Nguyễn Lưu, trên thế giới chỉ có hai người chơi bóng không mang tuổi rắn mà được ví như rắn. Ấy là “người không tuổi” đang khoác áo Manchester United, tiền vệ Ryan Giggs.

Tất nhiên, cái biệt danh “mãng xà” của Ryan Giggs ra đời mãi về sau này. Trong khi trước đó, cầu thủ đầu tiên được so sánh với rắn chính là Đẻn – Ba Đẻn – Con rắn biển.

Ở lối đặt biệt danh này, rõ ràng điểm mạnh nhất, yếu tố quyết định một cá tính sân cỏ được đem ra so sánh, đối chiếu với đặc tính của một loài vật. Số 11 huyền thoại của đội bóng nước Anh được ví như “con mãng xà” bởi lối đi bóng vặn sườn đặc trưng hệt một con rắn trườn.

Kiểu đi bóng “trườn” của Thế Anh cũng là kiểu trườn của loài rắn, nhưng đặc thù hơn là rắn biển, tức con Đèn Đẻn theo cách gọi của dân ta (Đèn Đẻn thường nhỏ hơn các loài rắn khác, giống như Ba Đẻn nhỏ con hơn những cầu thủ khác).

Ba Đẻn có cái chân vòng kiềng mà lanh lẹ vô cùng. Ba Đẻn có đôi mắt sáng, tinh ranh và láu cá. Ba Đẻn nhỏ con và ham dắt bóng, nhưng tính độ phải chịu đòn so với ông em ruột Cao Cường (Số 10 được coi là hay nhất của bóng đá Việt Nam) khi còn chơi bóng thì Đẻn ăn đòn 1, Cường ăn đòn 10. (Đúng là Đẻn lẻn nhanh). Và Ba Đẻn có nhiều quái chiêu độc đáo vô cùng!

Sao không là “Ba Đẻn của Argentina”?

Trong cuộc trò chuyện gần đây với nhà thơ Anh Ngọc – người vẽ chân dung Ba Đẻn bằng chữ đẹp nhất – tôi vẫn thấy sự xuýt xoa trong Nhà thơ về danh thủ này. Nhà thơ Anh Ngọc bảo: Nếu Thế Anh sinh ra ở châu Âu, mọi sự không chừng ghê lắm đấy.

Không những thế, tác giả của trường ca “Sông Mekong bốn mặt” còn nói Ba Đẻn giống như Maradona của Việt Nam. So sánh này chắc chắn phải mãi về sau mới hình thành bởi khi Ba Đẻn giã từ sự nghiệp vào năm 1984, Maradona mới bắt đầu nổi lên như một hiện tượng của túc cầu thế giới. Thế nên hóm hỉnh một chút thì phải bảo “Maradona là Ba Đẻn của Argentina”.

Ba Đẻn có chiều cao khiêm tốn, có khả năng giữ trụ trước những vòng vây càn quét của đối phương, có lối chạy biên rồi ngoặc bóng, có sự tinh ranh, lanh lợi… giống như “Thánh” Diego. Vì vậy không sai để đặt Ba Đẻn trên hệ quy chiếu với “Cậu bé Vàng” của bóng đá xứ Tango.

Quái chiêu từ một “cái phanh”

Nhà báo Nguyễn Lưu từng đặt ra một câu hỏi thú vị cho tôi rằng, đâu là cái sự ghê nhất ở “Vua” Pele? Trong khi tôi còn đang loay hoay tìm câu trả lời thì ông đã xua tay: Cậu không biết đâu, chỉ có ông Lobo Zagallo biết thôi.

Lobo Zagallo là HLV xuất sắc bậc nhất bóng đá Brazil và là người có nhiều năm huấn luyện Pele. Trong một cuộc trả lời báo chí, ông Zagallo chỉ ra rằng, điểm mạnh nhất của Pele nằm ở khả năng bật dậy. Đại ý Zagallo miêu tả: Trong vòng 16m50 của đối phương đầy nhộn nhạo, Pele luôn là người bật dậy nhanh nhất sau khi đã ngã.

Từ câu chuyện Pele, ông ngược về Ba Đẻn. Ông lại hỏi tôi, thế Ba Đẻn thì mạnh nhất ở điểm gì? Tất nhiên tôi chưa từng xem ông Ba Đẻn thi đấu nên tậm tịt. Còn nhà báo Nguyễn Lưu thì quả quyết, điểm mạnh của Ba Đẻn là ở cái “phanh chân”.

Trong tập truyện “Ba cuộc đời một trái bóng” của Nhà thơ Anh Ngọc có đoạn miêu tả thế này: “Thế Anh đang có mặt ở cánh trái. Bất ngờ, từ tuyến giữa, Mỵ hoặc Hải chọe một đường bóng dài sang phía Anh. Và thế là, Anh thoắt một cái đã dừng được bóng, nhanh chóng dẫn bóng dọc theo đường biên. Cầu thủ hậu vệ Cuba – Sôlômajo – được phân công kèm anh cũng bám theo ngay.

Anh chạy rất nhanh (xin lưu ý: Thế Anh chạy 100m mất 11 giây rưỡi và 3000m mất chín phút rưỡi, trong khi tiêu chuẩn kiện tướng là 11 phút). Nhưng tất nhiên với đôi chân cao kều, cầu thủ bạn cũng nhanh không kém. Nếu cứ thế thì Thế Anh sẽ bị hoặc mất bóng, hoặc cản phá, không thể tiếp tục xuống bóng.

Nhưng bất ngờ, Anh đột ngột dừng phắt lại cùng với bóng – Các bạn đã bao giờ thử làm động tác như vậy chưa? Chắc là chưa.

Tôi cũng vậy, và chúng ta những người trần mắt thịt chỉ thấy lúc ấy cái anh chàng cầu thủ Cuba cao to như ngựa thiến đang lao ầm ầm như cả một cỗ xe tam mã không sao hãm kịp, và vì cố cưỡng lại nên anh ta ngã dúi dụi và trượt đi đến 4, 5m, trong khi anh chàng bé con Thế Anh thì ung dung rẽ ngoặt sang một phía, và bây giờ thì trước mặt anh ta chỉ còn lại mỗi người thủ môn đang hốt hoảng xông ra một chọi một…

Và chúng ta đã hơn một lần sung sướng đến chết lặng mất một lúc, rồi mới kịp reo lên vỡ ngực vì tài nghệ của Thế Anh. Động tác này, Thế Anh thực hiện không biết cơ man nào lần, nhiều đối thủ đã “bắt được vở” nhưng rốt cuộc vẫn bị Thế Anh cho ngã bổ xiêu, bổ chửng…”

Đoạn miêu tả trên được nhà thơ Anh Ngọc viết ra sau khi mục sở thị màn trình diễn của một thế hệ mới Thể Công, trong đó có Thế Anh, khi Thể Công đá giao hữu với đội tuyển Cuba vào năm 1970. Đó cũng là trận đấu đầu tiên, Thế Anh ra mắt đội hình I của Thể Công, đồng thời là trận đấu quốc tế đầu tiên sau bao nhiêu năm gián đoạn vì chiến tranh.

Kết thúc trận đấu này, nhà thơ Anh Ngọc đã hỏi BLV Hoài Sơn: “Cầu thủ nào gây cho anh ấn tượng nhất trận đấu?”. “Thế Anh” – BLV Hoài Sơn đáp.

Sự xuất hiện của Thế Anh với lối chơi đầy linh hoạt, đã gây cho khán giả một ấn tượng rất mạnh. Tài năng điểm hình của Thế Anh là ở “cái phanh”. Nhà thơ Anh Ngọc một lần nữa nhấn mạnh: “Hôm đó trời mưa. Và dưới trời mưa, cái phanh của Anh càng phát huy hiệu lực kinh khủng – nhiều lúc Anh thực sự làm xiếc trên sân.

Xem một con người bé nhỏ như vậy tả đột hữu xung giữa những đối thủ khổng lồ vừa có cái gì ngộ nghĩnh vừa thú vị vô cùng. Đúng là chuột vờn mèo!

Hoặc một lần khác, đến lượt hậu vệ của đội Thanh niên CHDC Đức – anh này còn bị Thế Anh diễu cho đến mức quay ra đá láo trên sân.

Vậy thì “cái phanh”, “độ dừng” – theo cách gọi của chính Thế Anh, hay theo thuật ngữ chính quy – “sự khắc phục quán tính”, đã hình thành như thế.

Người sưu tầm bóng đá Việt Nam, Nguyễn Đức Hải (trái) và cựu danh thủ Ba Đẻn, Nguyễn Thế Anh.

(Facebook Nguyễn Đức Hải)